- California: Người đàn ông vô gia cư nhận được phần thưởng 100.000 USD
- Nghị lực đáng khâm phục của cậu bé vô gia cư học bài bên lề đường
- Nhiều kí túc xá tại Hà Nội tiếp đón người vô gia cư đến ở dịp Tết
Xe buýt đưa chúng tôi từ Washington DC đến New York dừng trả khách ngay giữa Đại lộ Broadway, khu vực đông đúc nhất ở quận Manhattan. Vừa bước chân xuống xe, tôi lập tức rơi vào một đám đông ngột ngạt. Dường như người trên khắp thế giới đã đổ về đây trong ngày cuối tuần, dù không phải vào mùa giảm giá hay lễ tết gì đặc biệt. Không khí đặc quánh vì hơi người và khói xe, những tòa nhà cao vút chiếm lĩnh không gian và hầu như vắng bóng cây xanh.
Khác hẳn với những khuôn hình lung linh trên màn ảnh, quảng trường Thời đại - nơi được chọn làm bối cảnh cho rất nhiều phim nhựa kinh điển - chật hẹp đến mức đáng ngạc nhiên. Các màn hình quảng cáo khổng lồ trên các tòa cao ốc thay đổi hình ảnh liên tục, màu sắc, ánh sáng loang loáng lướt qua, tạo ấn tượng mạnh về thị giác, song càng khiến không gian trở nên chật chội. Bên dưới chỉ thấy người chen chúc. Một vài anh chàng đội mũ cao bồi với duy nhất chiếc quần lót trên người làm đủ các động tác khoe cơ bắp, trong khi các cô vũ nữ tuổi “sồn sồn” che thân bằng… màu vẽ tìm mọi cách uốn éo mời chào du khách đi ngang chụp ảnh cùng. Tất cả phối thành một bức tranh hơi bị… tạp nham.
Nhan nhản “ăn xin” hiện đại
“Ngân hàng thực phẩm New York” được thành lập năm 1983 là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp bữa ăn miễn phí cho người dân sống tại thành phố đắt đỏ này. Có tới trên 1.200 điểm cung cấp hơn 400.000 suất ăn miễn phí mỗi ngày. Điều khiến mọi người thắc mắc là vì sao nhiều người “ăn xin” đến vậy ở một thành phố giàu có như New York.
Ban ngày khi đi bộ ngoài đường, du khách không dễ bắt gặp người ăn xin, chính xác hơn là không thể nhận biết ai là ăn xin trong số những người đi lướt qua mình. Một phần vì người “ăn xin” ở New York không giống ăn xin thông thường. Họ có thể vẫn có việc làm, song thu nhập từ việc làm đó không đủ để nuôi sống gia đình. Theo con số thống kê không đầy đủ, có khoảng 2,6 triệu người New York gặp khó khăn trong việc duy trì các bữa ăn cho chính họ và gia đình; thậm chí có tới 1/5 dân số ở đây, tương đương 1,4 triệu người, sống nhờ hoàn toàn vào Ngân hàng thực phẩm.
Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc những ánh đèn màu rực rỡ trên đường phố New York được thắp lên, người ăn xin bắt đầu “hành nghề”. Đương nhiên, họ chọn những khu sầm uất nhất, nơi du khách trên toàn thế giới đổ về như trung tâm Manhattan để “hành nghề”. Không cần phải già nua ốm yếu bệnh tật, hay bé bỏng nhếch nhác đáng thương, người ăn xin ở New York hầu hết là thanh niên trai tráng, béo tốt và lành lặn. Họ ngồi ngay bên ngoài các cửa hiệu, đầu gục trên gối, phía trước là một chiếc ống bơ cùng tấm bìa carton với những dòng chữ nguệch ngoạc “Tôi đói, xin hãy làm ơn”.
Có người còn tìm kiếm sự thương hại bằng cách viết lâm li hơn, như trường hợp tôi gặp ngay bên ngoài khách sạn: “Hôm nay là sinh nhật lần thứ 31 của tôi. Tôi đang đói. Xin hãy rủ lòng thương cứu giúp kẻ bất hạnh này với 1/4 đồng dollar của ông bà”. Hầu như rất ít du khách bỏ ra chút thời gian để đọc kỹ những dòng chữ đó, họ ném nhanh vài xu lẻ rồi tiếp tục hành trình tham quan, mua sắm của mình, còn thanh niên đó thì vẫn tiếp tục sinh nhật lần thứ 31 vào vô số những ngày sau.
Một thanh niên ăn xin trên Đại lộ Manhattan
Phá kỷ lục... vô gia cư
Đôi khi, du khách đến New York cũng bị giật mình bởi những người ăn xin “lưu động”. Một thanh niên ăn mặc tuyềnh toàng đi cùng chiều có thể đột nhiên mỉm cười với người đi đường và hỏi: “Có thứ gì ăn không, tôi đói quá?”. Nếu bị từ chối, anh ta sẽ không còn cách nào khác ngoài việc nhảy vào thùng rác lục tìm đồ ăn, sau đó ngồi hả hê với miếng pizza giống hệt cảnh tượng trong phim… hoạt hình Tom và Jerry.
Nhiều người thấy ngạc nhiên khi biết có tới 20% cư dân New York sống dưới mức nghèo theo chuẩn của Mỹ. Qua phim ảnh, truyền hình, họ chỉ thấy một thành phố đẹp đẽ và hào nhoáng, với những tòa nhà cao chót vót, cửa hiệu sáng choang và người đi lại ai nấy đều rạng rỡ, tay xách nách mang đồ hiệu. Song, ở bất cứ thành phố lớn nào cũng có đội ngũ lao động giản đơn ở khắp nơi đổ về, tham gia các mắt xích nhỏ của guồng quay lớn. Lauren, một người Argentina phục vụ trong hiệu bánh cho biết, mỗi tuần cô kiếm được 320 USD và số tiền này co kéo lắm mới đủ nuôi sống cô và em trai. Mọi thứ đều quá đắt đỏ, tôi thậm chí còn không thuê nổi một căn hộ, Lauren cho biết.
Tình trạng ăn xin gắn liền với hiện trạng vô gia cư ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới này. Nhiều năm qua, dường như mọi chính sách để giảm số người vô gia cư ở New York đã không phát huy được tác dụng và con số này vẫn liên tục tăng lên. Tính đến tháng 11-2016, đã có tới 60.252 người vô gia cư sống lang thang tại thành phố này, đạt mức kỷ lục trong một thập kỷ qua.
Nơi đèn không chiếu đến
Một vấn đề khác khiến cho New York mất đi vẻ lung linh bên ngoài là tình trạng ô nhiễm không khí. Chỉ cần bước chân ra khỏi khách sạn ở khu vực trung tâm, lập tức mùi khói bụi, thậm chí mùi nước tiểu lưu niên xộc ngay vào mũi du khách. Tiểu bậy ở thành phố văn minh bậc nhất thế giới này đã trở thành “bệnh kinh niên” của một nhóm cư dân, phần lớn là người da đen.
* 20% cư dân sống dưới mức nghèo theo chuẩn Mỹ
* 60.252 người vô gia cư sống lang thang
Tháng 3-2016, hội đồng thành phố thậm chí đã phải thông qua một loạt luật sửa đổi, trong đó có phi hình sự hóa hành vi tiểu tiện nơi công cộng vì có quá nhiều người bị bắt giam do tiểu bậy, gây nên tình trạng quá tải tại các nhà tù. Và thế là ga tàu điện ngầm, hay góc khuất sau các dãy nhà, nơi đèn không chiếu đến trở thành “toilet” cho những người căng bụng trở về từ các quán rượu, câu lạc bộ lúc nửa đêm.
Trong những ngày ở New York - thành phố được coi là an toàn nhất nước Mỹ điều khiến tôi và chắc chắn là không ít người khác cảm thấy bất an, lại chính là tần suất tiếng còi hụ trên xe cảnh sát vang lên. Người dân sống ở đây thì đã quen và khẳng định cảnh sát chỉ “làm ầm ỹ để chứng tỏ họ vẫn đang làm việc”, song tâm lý chung của du khách vẫn thấy thiếu an toàn, nhất là khi khớp nối với các thông tin về tình hình tội phạm ở Mỹ được đăng tải tràn ngập trên báo mạng.