Gỡ nút thắt trong thực hiện tự chủ đại học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bên cạnh thành quả của những trường thực hiện tự chủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của các trường đại học chưa thực hiện tự chủ, phải rà soát các công tác liên quan, gỡ nút thắt trong thực hiện tự chủ đại học.

Ngày 4/8, phát biểu chỉ đạo trong việc đánh giá kết quả đã đạt được trong triển khai tự chủ đại học trong nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: "Tự chủ, tự quản không phải là tự do, tự lo, không có quản lý nhà nước". Các trường đại học tự chủ phải tuân thủ pháp luật, gắn với trách nhiệm giải trình. Đây cũng là xu thế chung các nước trên thế giới.

Nhìn vào nguyên nhân những trường đại học chưa thực hiện tự chủ, Phó Thủ tướng đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của các trường. Bộ GD-ĐT phải rà soát không để công tác kiểm định là nút thắt trong thực hiện tự chủ đại học.

Bộ GD-ĐT phải làm việc với các bộ cấp trên trực tiếp của một số trường đại học, để làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tháo gỡ cho những trường: Chưa thành lập hội đồng trường và các cơ cấu theo quy định của pháp luật; Chủ tịch hội đồng trường chưa là bí thư Đảng ủy; chưa có quỹ để cấp học bổng cho sinh viên nghèo, đối tượng chính sách…; tập trung giải quyết dứt điểm một số trường chuyển từ dân lập sang tư thục…

Đồng thời, Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị đổi mới về nhân sự trong bộ máy tổ chức trường đại học để phát huy tối đa kinh nghiệm của những cán bộ lãnh đạo đã quá tuổi tham gia vào các cơ chế hội đồng.

Điểm lại một số kết quả đạt được sau thời gian thực hiện tự chủ, Phó Thủ tướng dẫn số liệu từ các bảng xếp hạng quốc tế khác nhau cho thấy, thứ hạng của giáo dục đại học Việt Nam từ vị trí 80-90 trên thế giới đã nâng lên vị trí 60-70. Từ chỗ không có trường đại học nào của Việt Nam được xếp hạng quốc tế, đến nay, tùy từng bảng xếp hạng, đã xuất hiện nhiều hơn các trường đại học của Việt Nam.

Trước khi thực hiện tự chủ, 70-80% công bố từ các viện nghiên cứu, 30% từ các trường đại học, đến nay tỉ lệ này đảo ngược lại: 70% từ các trường đại học. Tuy nhiên, số lượng các công bố vẫn còn rất thấp so với ngay các nước trong khu vực. Tỉ lệ giảng viên có trình độ cao nâng lên từ 25% lên 32%.

Ngoài ra, học sinh đã có cơ hội lựa chọn học theo sở thích, năng lực tốt hơn rõ rệt so với trước khi thực hiện tự chủ đại học kết hợp với những đổi mới về thi, tuyển sinh.

Tỉ lệ hài lòng của doanh nghiệp khi tuyển dụng sinh viên tại các trường có truyền thống tăng lên rõ rệt về kỹ năng làm việc nhóm, tự tin bày tỏ ý kiến. Việc thực hiện dân chủ trong trường học tốt hơn. Thu nhập của giáo viên tăng lên.

"Chúng ta đã đi đúng, làm tốt, nhưng vẫn cần phải cố gắng hơn nữa để bắt kịp và vượt các nước trong khu vực", Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh 4 mục tiêu quan trọng khi thực hiện tự chủ đại học, Phó Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải phát triển tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong 3 đột phá chiến lược. Dẫn số liệu tỉ lệ nhập học đại học của Việt Nam khoảng 28,6%, thấp hơn nhiều ngay cả khi so với các nước trong khu vực, Phó Thủ tướng cho rằng hiện việc đào tạo nhân lực chất lượng cao thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

Không gian phát triển đại học cả về số lượng và bảo đảm chất lượng còn chặng đường rất dài ở phía trước. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm công bằng hơn cho mọi người trong tiếp cận giáo dục đại học ở chất lượng cao.

Cùng với đó là thực hiện tự chủ để sử dụng tốt hơn nguồn lực con người, nguồn lực tài chính (sử dụng hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước, thu hút nhiều hơn đầu tư của DN dưới các hình thức khác nhau vào các trường đại học công lập, đầu tư của người dân).

Cuối cùng, Phó Thủ tướng nêu rõ, việc thay đổi mô hình quản trị các trường đại học theo hướng tiên tiến, hình mẫu của không gian hoạt động có tính khoa học và văn hóa, từ đó lan tỏa các giá trị tốt đẹp ra toàn xã hội. Trong thời gian qua, các trường, các thầy cô giáo, sinh viên đã có nhiều hoạt động có tính cộng đồng ngày càng tốt hơn, lan toả những giá trị tốt đẹp.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay, cả nước đã có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật GDĐH (được sửa đổi, bổ sung năm 2018).

Về nhân lực, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp. Các trường có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học.

Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021. Về tài chính, đến thời điểm hiện tại 32.76% trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); 13.79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2).