Gỡ nút thắt tăng trưởng tín dụng

ANTĐ - Theo đánh giá của các chuyên gia, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm ngay từ đầu năm 2013, tuy nhiên chưa có tác động rõ rệt đến tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Cốt lõi của vấn đề là các doanh nghiệp phải có nhu cầu vay thật, cần vốn thật cho sản xuất kinh doanh.
Gỡ nút thắt tăng trưởng tín dụng ảnh 1
Tín dụng tăng trưởng dương trong 4 tháng đầu năm là tín hiệu mừng


Dấu hiệu tích cực

Theo đánh giá PGS - TS. Tô Ngọc Hưng - Giám đốc Học viện Ngân hàng, liên tiếp trong 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm. Tuy nhiên với những nỗ lực không ngừng từ phía các ngân hàng thương mại cũng như việc điều hành chính sách thận trọng, linh hoạt từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm tháo gỡ nút thắt tín dụng kích thích tăng trưởng kinh tế, tín dụng đã tăng trưởng dương trở lại. Tính đến ngày 23-4, tín dụng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2012. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái khi tín dụng tăng trưởng âm liên tiếp trong 5 tháng đầu năm thì tín dụng tăng trưởng dương trong những tháng đầu năm 2013 là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. 

TS. Nguyễn Đức Trung - Viện nghiên cứu Khoa học Ngân hàng phân tích: “Giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ thuận chiều với nhau. Do chính sách tiền tệ - tín dụng có độ trễ nhất định khi tác động tới nền kinh tế nhưng các biện pháp nới lỏng tín dụng trong các tháng cuối năm 2012 dường như đã phát huy được vai trò đối với tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2013. Số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý I năm 2013 đạt 4,89%, cao hơn so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái”. 

“Mức tăng trưởng quý I năm 2013 cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 cộng với dấu hiệu phục hồi trở lại của tăng trưởng tín dụng là cơ sở, nền tảng thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế các quý còn lại của năm 2013”, ông Nguyễn Đức Trung dự báo. 

Một trong những dấu hiệu được xem là tích cực nữa là tín dụng đã đi trực tiếp vào sản xuất kinh doanh, đồng thời hạn chế chảy vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo điều tra về xu hướng kinh doanh của các ngân hàng thương mại của Vụ Dự báo thống kê tiền tệ (NHNN), trên 90% tổ chức tín dụng kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì và gia tăng cấp tín dụng cho một số nhóm khách hàng ưu tiên thuộc các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phải xác định được nhu cầu thực

Đánh giá của các chuyên gia của Viện nghiên cứu Khoa học Ngân hàng cho rằng, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm dần từ đầu năm 2013 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất chưa có tác động rõ rệt đến tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng do tăng trưởng tín dụng kém nhạy cảm với lãi suất. Lãi suất giai đoạn 2004-2012 dù cao cũng không cản bước các doanh nghiệp tìm mọi cách để vay vốn. Trong khi đó, ở giai đoạn hiện tại dù lãi suất đã giảm xuống khá nhiều nhưng cũng không kích thích được tăng trưởng tín dụng.

“Chúng tôi đã cho khách hàng vay với lãi suất 7-8%/năm từ lâu rồi chứ không phải mới, nhưng loại vốn nào cho vay 7%, loại vốn nào thì cho vay trên 12%, phải có cân đối để bù trừ rủi ro. Về tăng trưởng tín dụng tôi cho rằng không đến nỗi bế tắc. Ngân hàng của chúng tôi thậm chí phải xin vượt tốc độ tăng trưởng tín dụng nhóm 1 là 12%”, PGS -TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank)  chia sẻ.

PGS - TS. Tô Ngọc Hưng phân tích: “Đối với khả năng đáp ứng thì các ngân hàng có thể thấy nguồn không thiếu, chính sách của bên cho vay cũng cởi mở hơn. Trên thị trường, tín hiệu giảm lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động đã và đang được các ngân hàng thương mại thực hiện. Như vậy câu chuyện không phải ở vấn đề lãi suất. Người đi vay phải có nhu cầu vay thật, cần vốn thật cho sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp và ngân hàng mới có thể đến với nhau được. Và đó là mấu chốt để tín dụng tăng trưởng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Các chuyên gia cho rằng tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục ở mức thấp, thậm chí suy giảm. Dẫn chứng cho vấn đề trên về số liệu từ ngành thép. Tổng công suất toàn ngành khoảng 11 triệu tấn, nhưng nhu cầu trong nước chỉ 5-6 triệu tấn, như vậy là dư thừa tới 30-40% công suất. Thứ hai là mức tiêu thụ trong quý I của ngành thép mỗi tháng chỉ xoay quanh 400.000 tấn. Với mức tiêu thụ như vậy, thì càng vay vốn các doanh nghiệp càng thua lỗ. Như vậy, rõ ràng, lãi suất không phải là yếu tố quyết định tín dụng có ra được hay không, mà là năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế và năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp, cũng như các khách hàng đang sản xuất kinh doanh cho nền kinh tế.

Đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: “Cho vay tín chấp có thể là lối thoát cho tăng trưởng tín dụng hiện nay. Các doanh nghiệp đã cạn thế chấp họ đến vay vốn ngân hàng cần được xem xét cho vay tín chấp. Nếu cứ đòi hỏi thế chấp thì không thể gặp nhau được”.