Chính trường châu Âu chấn động bởi tham nhũng:

Giữa suy thoái, chỉ lo thu vén bản thân

ANTĐ - Niềm tin của người dân vào các chính trị gia ở khu vực Nam Âu đang bị suy giảm nghiêm trọng khi gần như mỗi ngày đều có các vụ tham nhũng ở hàng ngũ quan chức cấp cao bị phanh phui.

Giữa suy thoái, chỉ lo thu vén bản thân ảnh 1Người dân Bồ Đào Nha chưa hết sốc sau khi cựu Thủ tướng Jose Socrates
bị bắt giữ vì tham nhũng

Giàu sang nhờ tiền “lại quả”, trốn thuế hoặc rửa tiền

Mới đây nhất hôm 2-12, ông Gianni Alemanno, cựu Thị trưởng thành phố Rome và từng giữ chức Bộ trưởng dưới thời cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, cùng một số chính trị gia khác đã bị điều tra do bị tình nghi cấu kết với mafia. Cảnh sát đã khám xét nhà riêng của ông Alemanno và một số văn phòng chính quyền địa phương để phục vụ điều tra. Ngoài việc điều tra, bắt giữ hàng chục người thuộc các đường dây mafia “thân quen” với chính quyền Rome và Lazio, cảnh sát Italia cũng thu giữ số tài sản trị giá hơn 200 triệu euro, bao gồm nhiều bất động sản và ô tô đắt tiền. 

Không chỉ tại Italia, chính trường Tây Ban Nha cũng chấn động bởi hàng loạt vụ việc tham nhũng. Ngày 1-12, một tay môi giới quyền lực trong đảng Nhân dân (PP) cầm quyền ở Tây Ban Nha đã phải chịu chấp hành án phạt 4 năm tù giam về tội gian lận thuế. Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Ana Mato cũng đã tuyên bố từ chức sau khi bị tòa án triệu tập do tình nghi liên quan vụ bê bối tham nhũng lớn trong đảng PP. 200 người trong đó có nhiều quan chức địa phương thuộc đảng PP đã bị bắt giữ do bị cáo buộc nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp để đổi lấy các hợp đồng, khiến dư luận nước này bức xúc. Trong số đó, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã buộc tội ông Jesus Sepulveda, chồng cũ của bà Mato, nhận hối lộ 625.000 USD khi ông này còn là Thị trưởng thành phố Pozuelo de Alarcon.

Còn ở Bồ Đào Nha, người dân vẫn chưa hết sốc sau khi cựu Thủ tướng nước này, ông Jose Socrates (lãnh đạo đất nước từ năm 2005-2011) bị bắt giữ cách đây gần 2 tuần tại sân bay Lisbon do bị cáo buộc tham nhũng, trốn thuế và rửa tiền. Cơ quan tư pháp Bồ Đào Nha chú ý đến ông sau vụ cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha mua một căn hộ tại Paris trị giá 3 triệu euro. Nhiều khoản tiền đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của ông này nhưng không khớp với các khoản thu nhập đã được ông này kê khai với cơ quan thuế.

Vụ bắt giữ ông Socrates diễn ra chỉ vài ngày sau khi cảnh sát bắt giữ người đứng đầu cơ quan nhập cư Bồ Đào Nha và một số viên chức cao cấp khác vì liên quan đến vụ tai tiếng cấp thị thực trái phép cho các doanh nhân Trung Quốc giàu có. Vụ bê bối này cũng khiến Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha phải từ chức. 

Những bằng chứng trên cho thấy, nhiều nhà lãnh đạo các nước Nam Âu chỉ lo vun vén cho bản thân được sống một cuộc sống giàu sang nhờ trốn thuế hoặc nhận tiền “lại quả”. Đáng nói đây là các quốc gia chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone và buộc phải cắt giảm các dịch vụ công, làm hàng triệu người thất nghiệp, kéo theo đó là mức lương giảm và chất lượng cuộc sống đi xuống. “Những vụ việc như thế này cho thấy: Các chính trị gia trên không phục vụ người dân, mà họ chỉ tìm cách thu vén cho bản thân”, thợ điện Joao Policiano nói. 

Lo ngại trào lưu chính trị cực đoan

Công cuộc phục hồi kinh tế chậm chạp, sự bất bình đẳng trong thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp cao, cũng như tình trạng tham nhũng tràn lan khiến người dân thất vọng, nhiều người đã chuyển sang ủng hộ các đảng cánh tả. Một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy, phong trào cánh tả mới thành lập Podemos (hay Chúng ta có thể) hiện là đảng được ủng hộ nhiều nhất tại Tây Ban Nha. Trong khi đó, Liên minh các lực lượng cực tả Syriza cũng giành được sự ủng hộ của nhiều người dân Hy Lạp. Nhiều thành viên của tầng lớp lãnh đạo cũ ở Hy Lạp được cho là đã “nhúng chàm” và góp phần đưa đất nước đến bên bờ vực sụp đổ kinh tế nhưng đến nay mới chỉ có 1 bộ trưởng bị tống giam vì tham nhũng.

Đáng lo ngại hơn, những đảng phái công khai phân biệt chủng tộc và bài trừ Do Thái ở châu Âu cũng đang gia tăng. Tại Italia, Phong trào 5 sao được xem là một lực lượng mới nổi khi là đảng được ủng hộ nhiều thứ hai trong cuộc bầu cử năm ngoái. Tại Pháp, tình trạng tham nhũng và các vụ bê bối liên quan đến các thành viên đảng Xã hội của Tổng thống Francois Hollande cũng khiến tỷ lệ ủng hộ đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) tăng lên. Hồi tháng 5, FN đã thực sự tạo ra “cơn địa chấn” tại Pháp khi dẫn đầu kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu với tỷ lệ ủng hộ lên tới 25%. Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy, lãnh đạo FN, Marine Le Pen có thể đánh bại ông Hollande và cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngay trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào năm 2017. Cho đến nay, chỉ có Bồ Đào Nha chưa bị lún vào tình trạng chính trị cực đoan.