Chương trình khám sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục cho trẻ nhỏ ở quận Hoàn Kiếm (Ảnh minh họa)
Bà Trương Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hoàn Kiếm cho biết, thực hiện chương trình của UBND quận về đánh giá các chỉ số phát triển cho trẻ đầu đời trên địa bàn, từ đầu năm 2018 đến nay, Trung tâm DS-KHHGĐ quận đã phối hợp với Trung tâm Nam học – Bệnh viện Việt Đức tiến hành kiểm tra sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục cho trẻ trai từ 3 - 5 tuổi.
23% trẻ bị dính bao quy đầu, 77% cần đi khám chuyên sâu
Theo bà Hoa, chương trình nói trên được thực hiện tại 42 trường mầm non, mẫu giáo và nhóm trẻ tư thục tại quận Hoàn Kiếm. Nội dung khám phát hiện những nghi ngờ bệnh lý thường gặp ở bộ phận sinh dục trẻ trai như tinh hoàn hai bên, lệch lỗ tiểu (lỗ tiểu thấp), hình thái dương vật bất thường, thoát vị bẹn, các biểu hiện bất thường vùng bẹn, các vấn đề về bao quy đầu (hẹp và dính) của trẻ.
Năm 2018, tổng số trẻ từ 3-5 tuổi tham gia sàng lọc tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn quận là 3.189 trẻ. Kết quả khiến không chỉ các phụ huynh mà ngay những chuyên gia y tế cũng giật mình. Có 1.748/3.189 trẻ (tương đương 54,8%) là bình thường; 45,2% trường hợp còn lại (tương đương 1.441 trẻ) có kết quả bất thường, bao gồm các vấn đề về bao quy đầu, tinh hoàn, lệch lỗ tiểu…
Trong đó, có 331/1.441 trẻ (chiếm 22,97%) bị dính bao quy đầu. Những trường hợp này, theo tư vấn của các bác sĩ Trung tâm Nam học, chỉ cần sự hỗ trợ thêm hàng ngày từ phía gia đình bằng cách chú ý kiên trì lộn rửa bao quy đầu khi vệ sinh cho con để đảm bảo bộ phận sinh dục được lộn ra hoàn toàn mà không cần tới bất kỳ can thiệp chuyên khoa nào.
Đáng chú ý, có 1.110/1.441 trẻ có kết quả nghi ngờ (tỷ lệ 77,02%) được bác sĩ tư vấn gia đình đưa trẻ đi khám chuyên khoa, quyết định các biện pháp hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ và thực hiện thủ thuật theo yêu cầu (nếu có) để đảm bảo cho sự phát triển thể chất và không ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của trẻ trong tương lai.
Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hoàn Kiếm Trương Thị Kim Hoa cho biết, những bất thường bộ phận sinh dục cần khám chuyên khoa sâu hơn liên quan đến các vấn đề về bao quy đầu (hẹp bao quy đầu, dài da bao quy đầu), tinh hoàn (tinh hoàn ẩn, tràn dịch tinh hoàn, tinh hoàn di động…), thoát vị bẹn, lún dương vật, lệch lỗ tiểu…
Đặc biệt có 1 trường hợp trẻ tại trường Mầm non Tháng Tám đã được can thiệp (cụ thể: cắt bao quy đầu) tuy nhiên bác sĩ chỉ định cần phải theo dõi tạo hình lại; 1 trường hợp tại trường Mầm non Bà Triệu cần theo dõi ống phúc tinh mạc; 1 trường hợp tại Mầm non Tuổi Hoa, cần theo dõi xoắn tinh hoàn và nang thừng tinh hoàn…
Đóng bỉm quá lâu, mặc sịp quá sớm… là nguyên nhân
Vẫn theo ThS Trương Thị Kim Hoa, nguyên nhân của tình trạng báo động kể trên được các bác sĩ Trung tâm Nam học – Bệnh viện Việt Đức chỉ ra, ngoài những nguyên nhân khách quan có cả nguyên nhân chủ quan, do mặt trái của cuộc sống hiện đại mang lại.
Trong đó, thói quen đóng bỉm cho con quá lâu và cho con mặc quần sịp quá sớm được chỉ ra là thủ phạm hàng đầu khiến bộ phận sinh dục của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặt khác, nhiều ông bố bà mẹ trẻ chủ quan, không biết cách vệ sinh cho trẻ và chưa có kiến thức nhận biết những dấu hiệu bất thường bộ phận sinh dục của trẻ. Thậm chí có những trẻ lỗ tiểu đi ra ở thân dương vật mà suốt mấy năm phụ huynh cũng không biết để đưa đi khám…
Được biết, chương trình sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục được quận Hoàn Kiếm triển khai từ năm 2016, đến nay đã có trên 50 trẻ trai được chỉ định cần can thiệp ngay để chữa trị kịp thời. Việc can thiệp những bất thường của bộ phận sinh dục trẻ em không phải là kỹ thuật khó nhưng cần được tiến hành khi trẻ càng nhỏ càng tốt để tránh những nguy cơ xấu cho tương lai.