Giấy ăn ở hàng, quán: Quá “bẩn”!
(ANTĐ) -Lâu nay, mọi người đã quá quen với loại giấy ăn vẫn được sử dụng ở các quán ăn, nhà hàng. Với đặc điểm rẻ tiền, loại giấy này được người bán hàng ưa dùng vì tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nó có thể gây hại cho sức khỏe của người sử dụng...
Giấy ăn giá rẻ
Hầu hết các quán cơm bình dân, quán bún, phở,... hiện nay đều sử dụng một loại giấy ăn. Đó là thứ giấy xỉn màu hoặc màu trắng ngà, mỏng, gập làm 2 hoặc làm 4. ở các nhà hàng trên mức bình dân một chút giấy ăn được sử dụng cho thực khách cũng không khá hơn, khi dùng lau bát ướt là rách thành từng mảnh, vụn bám đầy trên bát, thậm chí nếu dùng lau miệng chỉ cần miết nhẹ là dính quanh miệng.
Một số quán ăn tiết kiệm hơn còn dùng cả giấy cuộn vệ sinh loại kém chất lượng cho khách hàng dùng thay cho giấy ăn. Trong nhiều khu chợ, giấy ăn được bày bán tại những hàng tạp hóa hay trên các quầy hàng bán đồ khô. Loại giấy có hình vuông, khi gập lại làm 4 có kích thước nhỏ bằng bàn tay, màu trắng ngà có giá 12.000-18.000 đồng/kg.
Không ai biết nguồn gốc của những loại giấy ăn này...! |
Một người chuyên bán giấy ăn ở chợ Đồng Xuân cho biết: “Tôi cũng không biết người ta nhập loại giấy này từ đâu. Chỉ biết khi cần, điện thoại là họ mang tới ngay nên tôi cũng chẳng quan tâm lắm đến nguồn gốc của nó. Thường không phải lúc nào giấy họ đem đến cũng trắng đẹp mà có khi xỉn màu, tùy vào chất lượng giấy từng đợt”.
Tuy nhiên, cũng theo người bán hàng này nhận xét, loại giấy vuông, mỏng, màu trắng, có mức giá 12.000-18.000 đồng/kg đã là giá cao nhất trong những loại giấy ăn rẻ tiền hiện đang được các quán ăn sử dụng. Song khi hỏi nguồn gốc những loại giấy ăn phổ biến này thì chẳng có người bán hàng nào biết…!
Chị Nguyễn Thị Hà, chủ hàng phở trên phố Lò Đúc thông tin: “Dùng loại giấy này vừa tiết kiệm, vừa hợp với những quán ăn bình dân. Có 4 loại giấy ăn thường dùng ở các quán ăn bình dân”. Chị Hà còn cho biết, hiện nay các quán ăn chủ yếu mua các loại giấy loại 2, 3, còn loại 4 ít dùng vì nó không rẻ hơn các loại giấy khác là bao. Người bán vẫn thường xuyên đến từng quán giao giấy ăn bất cứ lúc nào khi chủ quán có yêu cầu.
Đặc điểm của loại giấy ăn này là trên mặt giấy ăn thường có những điểm đen, nếu dùng tay chà xát mặt giấy sẽ thấy không còn độ dẻo, dễ bị rách khi kéo, sau khi chà xát có những vụn giấy rơi ra. Và việc đưa ra kết luận loại giấy sạch hay bẩn đều dựa trên cảm quan của người quan sát. Vậy là người tiêu dùng khi sử dụng trong thời gian ngắn có thể không lường hết tác hại của nó.
Cơ quan quản lý vẫn thả nổi
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng, loại giấy dùng để lau đũa, thìa, lau miệng ở các quán ăn đường phố hiện nay được phân định độ sạch hay bẩn dựa vào màu sắc: Nếu loại giấy trắng tinh là sạch, nếu loại giấy không tẩy trắng được hết, có màu hơi đen hoặc trắng ngà, có lẫn tạp chất là loại giấy không đảm bảo vệ sinh và làm từ giấy tái chế (như giấy cũ, giấy sách báo). Còn giấy ăn hợp vệ sinh phải làm từ nguyên liệu giấy (bột tre).
Công thức sản xuất của hầu hết các loại giấy ăn đó là: Thu gom giấy phế liệu đem ngâm vào bể nước cho mục ra, dùng máy thủy lực nghiền nát thành bột. Sau đó, pha các hóa chất và phụ gia như phèn, nhựa thông, phẩm màu, xút, nước javen hoặc chất bita phản quang... để tẩy trắng. Tiếp đó, thứ hỗn hợp này được đưa vào nấu, đổ ra khuôn ép và sấy khô thành giấy ăn nơi các quán phở, quán nhậu hay dùng...
Khi chúng tôi đặt câu hỏi với các bác sĩ Bệnh viện Da liễu thì được biết, hiện nay chưa có một nghiên cứu nào về tác hại của việc dùng giấy ăn kém chất lượng đối với sức khỏe. Và cũng chưa có bệnh nhân nào đến khám tại bệnh viện vì lý do dùng giấy ăn ở các nhà hàng, quán ăn đường phố.
Ông Hoàng Đại Nghĩa - Phó Đội trưởng Đội QLTT số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: “Kể từ đầu năm đến nay đội chưa có một cuộc kiểm tra nào đối với các công ty, cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn. Loại hàng hóa này cũng không nằm trong danh mục những hàng hóa mà đội sẽ kiểm tra trong thời gian tới...”.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, việc sử dụng loại giấy ăn kém chất lượng trong một thời gian dài có thể có những ảnh hưởng đối với sức khỏe. Người dùng có thể hấp thụ vào cơ thể những chân nấm độc hại, khuẩn cầu que gây ra bệnh viêm kết ruột, có thể dẫn tới các bệnh như bệnh viêm ruột, thương hàn, kiết lỵ, thậm chí còn có khả năng mang theo vi khuẩn gây bệnh viêm gan.
Mặt khác, các loại giấy kém chất lượng còn có nhiều bụi giấy, khi sử dụng một lượng lớn bụi công nghiệp có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc gây ra dị ứng đối với những làn da quá mẫn cảm.
Ngọc Hân