Giao thông trong ngày đầu điều chỉnh giờ học, giờ làm: Chưa có biến động lớn

ANTĐ - Chiều nay 1-2, thông tin với PV Báo ANTĐ, Đại tá Nguyễn  Duy Ngọc - Trưởng Phòng CSGT-CATP Hà Nội cho biết, trong ngày đầu thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm của 10 quận và 2 huyện trên địa bàn thành phố, tình hình trật tự ATGT vẫn được đảm bảo, chưa có biến động lớn.

Nguyên nhân bởi số sinh viên các trường đại học vẫn chưa nhập trường, người lao động ngoại tỉnh vẫn chưa lên nhiều. Ngoài các cơ quan làm việc tại Hà Nội, lượng người và phương tiện đến Thủ đô công tác vẫn chưa nhiều. “Phải đến giữa tháng 2 khi tất cả những thành phần trên cùng tham gia giao thông mới có thể đánh giá cặn kẽ được tác động của việc thay đổi giờ học, giờ làm đến giao thông của Thủ đô. Hiện đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là học sinh và các bậc phụ huynh đưa đón con em đến trường” - Đại tá Ngọc nhận định.

Ngoài việc tăng cường lực lượng chốt trực tại các điểm, nút giao thông từ 6h sáng phân luồng chống ùn tắc, trong ngày hôm qua CATP đã kiểm tra, xử lý 1.550 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó lực lượng CSGT xử lý tới 1.312 trường hợp. Hoạt động kiểm tra đảm bảo ATGT trên các tuyến quốc lộ ra vào thành phố cũng được đảm bảo. Hơn 100 xe khách dừng đỗ đón trả khách trái phép hoặc chở quá số người quy định cũng bị CSGT kiểm tra, xử phạt.

Có phần thông thoáng hơn

Đánh giá về ngày đầu thực hiện đổi giờ học, giờ làm, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT cho biết, sáng 1-2, 100% lực lượng thanh tra đều triển khai lực lượng ứng trực, phân luồng trên khắp các tuyến phố để bảo đảm giao thông được thông suốt. “Đường phố trong ngày 1-2 có phần thông thoáng hơn mọi ngày, ùn tắc cũng không xảy ra kéo dài, chỉ ùn ứ nhẹ tại một số điểm”. Tuy nhiên, ông Mạnh cho rằng, lưu lượng người tham gia giao thông hiện tại trên địa bàn TP vẫn chưa chuẩn, bởi, một lượng lớn lao động ngoại tỉnh cũng như sinh viên các trường ĐH, CĐ, Trung cấp chưa về TP. Bên cạnh đó, một số người dân phản ánh, họ chưa biết cũng chưa nắm rõ về kế hoạch đổi giờ học, giờ làm việc của thành phố.

Đánh giá về hiệu quả sau ngày đầu tiên thực hiện đổi giờ, ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải, một chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị hơn 30 năm khá bất ngờ. Chỉ cần giảm sự trùng lặp trong  giờ đi lại thì ùn tắc rõ ràng sẽ giảm, người dân thực hiện tốt sẽ có hiệu quả. “Nếu tất cả cùng xuất phát lúc 8h thì hạ tầng giao thông Hà Nội sẽ phải gánh khoảng 10 triệu lượt đi lại/ngày, gồm cả học sinh, sinh viên, công chức, khách vãng lai, buôn bán… Trong khi xe buýt chỉ đảm đương được khoảng 1 triệu lượt người (1/10 nhu cầu), 9 triệu lượt đi lại còn lại phải dùng phương tiện cá nhân. Trong khi hạ tầng mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu, như vậy ùn tắc sẽ xảy ra”.

Về những bức xúc của người dân liên quan đến việc đưa đón con, ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, dù còn bức xúc nhưng người dân cũng cần thông cảm và chia sẻ. Hiện nay cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều là những thành phố đứng đầu thế giới về ùn tắc, một năm hai thành phố này có gần 1.000 vụ ùn tắc, trong đó có ít nhất là 150 vụ ùn tắc từ 30 phút tới 4 tiếng, gây thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế, xã hội, lãng phí hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Cũng theo chuyên gia này, việc đổi giờ đối với sinh viên không nên quá cứng nhắc, vì hiện nay các trường đều học theo tín chỉ, do vậy, cần phải linh động, không cần áp dụng cứng nhắc theo mốc thời gian đi và về.