“Giáo sư Rùa” lập kỷ lục Việt Nam
(ANTĐ) - Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam vừa có quyết định trao tặng kỷ lục “Người tìm hiểu nghiên cứu và có bài viết về rùa hồ Gươm và hồ Gươm nhiều nhất Việt Nam” cho PGS.TS Hà Đình Đức. Đây có lẽ là một phần thưởng, một sự động viên xứng đáng nhất cho PGS. Hà Đình Đức sau gần 20 năm ông miệt mài nghiên cứu về rùa Hồ Gươm, cũng như vác đơn đi kêu cứu cho rùa hồ Gươm cùng các vấn đề liên quan đến cảnh quan quanh hồ. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng ông!
- PV: Thưa ông, ông có bất ngờ khi đón nhận danh hiệu này?
PGS.TS Hà Đình Đức: Tôi thấy vui chứ không hề bất ngờ vì từ trước tới nay, việc nghiên cứu về rùa hồ Gươm chỉ có một mình tôi thực hiện mà thôi. Mọi người vẫn đùa tôi rằng, “một mình một sân múa võ”. Khối lượng các bài tôi viết về rùa, về hồ Gươm tính cho tới giờ này cũng kha khá rồi. Cũng không phải ngẫu nhiên họ trao cho mình danh hiệu này đâu.
- PV: Trong 20 năm nghiên cứu về rùa Hồ Gươm ông có thể thống kê cụ thể đã viết bao nhiêu bài viết và trả lời bao nhiêu cuộc phỏng vấn của các cơ quan truyền thông để bênh vực cho “cụ rùa” cũng như cảnh quan hồ Gươm không?
- PGS.TS Hà Đình Đức: Bạn hỏi tôi câu này khó quá. Tôi không nhớ được mình đã trả lời bao nhiêu cuộc phỏng vấn liên quan đến hồ Gươm đối với báo chí trong nước. Các hãng thông tấn lớn của Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc... như CNN, AP, Reuters, Bưu điện Hoa Nam, hay các chương trình truyền hình khám phá Discovery,... tôi đều “chạm mặt” cả rồi...
- PV: Cho đến nay, sự kiện nào xảy ra đối với “cụ rùa” hay hồ Gươm mà ông nhớ nhất?
PGS.TS Hà Đình Đức sinh ngày 23-3-1940 tại xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1987, ông bảo vệ Luận án Phó tiến sĩ với đề tài: “Hình thái và Giải phẫu một số loài động vật có xương sống ở Việt Nam”. Năm 1988, ông nhận bằng tốt nghiệp khoá huấn luyện về: “Bảo vệ và Quản lý động vật hoang dã” do Viện Smithsonian của Mỹ và Cơ quan Vườn Quốc gia Malaysia tổ chức. Năm 1991, ông được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư. |
- PGS.TS Hà Đình Đức: Tháng 4-2000, tôi công bố những công trình nghiên cứu về rùa hồ Gươm. Công bố ấy thực sự đã gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận khi đó. Tôi đã chứng minh và được thế giới công nhận rằng, rùa Hồ Gươm có tên quốc tế là Rafetus Leloi (rùa Lê Lợi). Hiện, trong tất cả các bài viết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cái tên Rafetus Leloi đã được sử dụng rộng rãi.
- PV: Mọi người vẫn gọi ông là “Giáo sư rùa”, ông có thích cái tên này không?
- PGS. TS Hà Đình Đức : Tôi được mọi người đặt cho nhiều biệt danh lắm, nào là “ông rùa”, nào là “giáo sư rùa”, rồi Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì lại gọi tôi là “Con trai thần rùa”... Mọi người quý thì mới ưu ái mà gọi thế chứ. Nhưng nói thật nhé, khi tôi mới bắt tay vào nghiên cứu và bảo vệ loài rùa quý hồ Gươm, nhiều người cho tôi là lắm chuyện, có người gọi tôi là “người nhiễu sự” rồi “ông lẩm cẩm”. Tôi đón nhận tất, chả thấy phiền hà gì. Đến bây giờ, công việc “lẩm cẩm” của tôi đã được Nhà nước ghi nhận, nhân dân ghi nhận.
- PV: Thưa ông, nghề chính của ông hình như không liên quan đến rùa?
- PGS. TS Hà Đình Đức: Năm 1959, tôi là lứa sinh viên khóa 4 của Khoa Sinh vật, ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội). Công trình khoa học đầu tiên tôi là nghiên cứu về các loài chim ở nội thành Hà Nội, do Giáo sư Võ Quý hướng dẫn. Năm 1962, Giáo sư Quý đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh, tôi chuyển sang nghiên cứu về thú với Giáo sư Đào Văn Tiến. Tốt nghiệp, tôi được giữ lại làm giảng viên Khoa Sinh vật. Tôi bắt tay vào nghiên cứu rùa cũng là một sự tình cờ, Năm 1991, Công ty Dịch vụ Khai thác và Sử dụng di tích Hà Nội (COEMO) thuộc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội mời tôi và Giáo sư Võ Quý tham gia Dự án “Khai thác hồ Gươm, bảo vệ đàn rùa quý”. Do bận nhiều việc, Giáo sư Võ Quý không tham gia được. Sau đó, COEMO cũng chỉ hoạt động phập phù rồi giải tán lúc nào chẳng nhớ. Chỉ còn một mình, tôi bắt đầu nghiên cứu say mê và gắn chặt số phận với cụ rùa hồ Gươm từ đó.
- PV: Nếu được làm một việc gì đó để bảo tồn rùa hồ Gươm cũng như cảnh quan hồ Gươm, ông sẽ thực hiện việc gì đầu tiên, thưa ông?
- PGS. TS Hà Đình Đức: Tôi nghĩ việc làm cần thiết nhất lúc này là định danh rõ ràng về mặt khoa học cho cụ rùa. Việc cần thiết tiếp theo là tìm hậu duệ cho cụ rùa, tức là bảo tồn nguồn gene quý. Dù đã sống tới vài trăm năm nay, nhưng cụ rùa cũng là một sinh vật sống, tức là cụ cũng phải trải qua vòng quay sinh-tử. Có như thế, sự linh thiêng của hồ Gươm, sự thật của truyền thuyết hồ Gươm mới không bị đứt đoạn. Tôi nghĩ, đã đến lúc Nhà nước và UBND thành phố Hà Nội cần có một định hướng rõ ràng nhất về vấn đề này. Đây là việc làm khó cần có sự đầu tư nghiêm túc, sự đồng lòng của nhiều ngành khoa học mới thành công được.
- PV: Xin cảm ơn Phó Giáo sư về cuộc trò chuyện này!
Vân Quế (Thực hiện)