Gian nan chuyện vào ở KTX
Bài 1: Mọi ngả đường đều gập ghềnh!
(ANTĐ) - Gặp những bạn sinh viên (SV) trong ngày nhập trường, bên cạnh niềm háo hức thì nỗi lo “an cư” cũng là một vấn đề trăn trở, đặc biệt là SV ngoại tỉnh. Lý do là hầu hết ký túc xá (KTX) của các trường ĐH, CĐ chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với yêu cầu nguyện vọng của những SV này. Giá rẻ, an ninh đảm bảo, thuận tiện tới trường là những tiêu chí hấp dẫn để các SV lựa chọn KTX. Tuy vậy, có được một chỗ trong KTX, đối với các bạn SV nhiều khi chỉ là giấc mơ xa vời…
Cần xây dựng nhiều khu KTX như thế này để phục vụ sinh viên |
Ưu tiên... chưa chắc đã được ở
Theo con số thống kê, khoảng 220.000 SV đỗ đại học (ĐH) của cả nước thì có đến 80% SV phải đi tìm nhà trọ ở bên ngoài. Chỉ có từ 10- 20% SV tìm được chỗ ở trong KTX. Điều này cũng có nghĩa khoảng 200.000 SV đang chật vật với chuyện ăn ở mỗi mùa nhập trường…
Theo Ban quản lý (BQL) KTX SV ở các trường ĐH, CĐ,… mà chúng tôi đến tìm hiểu, ngay trong những ngày đầu tiếp nhận, nhiều KTX đã không còn chỗ trống. “Nhu cầu của SV vào ở trong KTX rất lớn, gấp 4-5 lần so với khả năng của nhà trường. Dù nhiều em hoàn cảnh rất đáng thương nhưng không thuộc diện ưu tiên nên vẫn phải gạt ra”, Trưởng BQL KTX SV ĐH Sư phạm Hà Nội cho chúng tôi biết.
Theo phân loại, SV được ưu tiên, bố trí chỗ ở xếp thứ tự từ 01 đến 06 - 07. Sau khi bố trí hết cho các đối tượng trên mới xét đến những SV khác. Tuy nhiên, không có mấy trường hợp nằm ngoài diện ưu tiên được xét, thậm chí nhiều đối tượng SV 05, 06, 07 vẫn phải đi tìm nhà trọ vì số lượng phòng trong KTX có hạn.
Các SV được bố trí chỗ ở hầu hết thuộc diện ưu tiên con em thương binh, liệt sỹ, mồ côi, con thương bệnh binh, vùng sâu vùng xa, bộ đội xuất ngũ, học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế, SV đỗ thủ khoa,...
Bạn Vũ Thu Hương, SV trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ: “Em rất mong được vào ở trong KTX vì giảm bớt được gánh nặng cho bố mẹ ở quê. Chân ướt, chân ráo ra Hà Nội, đường sá không biết nên riêng tiền thuê “xe ôm” để họ đưa đi tìm nhà trọ cũng mất cả tháng tiền ăn bố mẹ cho em lúc mới lên. Nghĩ vừa thấy tủi thân, vừa thấy nản…”.
Xem ra trường hợp của Hương không phải là số ít và ước mơ nhỏ nhoi là được ở trong KTX dường như trở nên xa vời đối với rất nhiều SV ngoại tỉnh.
Tương tự, KTX ĐH Sư phạm Ngoại ngữ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay cũng đã sớm hết chỗ vì trong khi tổng số SV tuyển vào trường năm nay lên đến 2.000 chỉ tiêu thì chỉ có 1.000 chỗ cho SV mới, ĐH Giao thông Vận tải có 415 suất ở KTX cho tân SV trong khi số lượng tuyển mới là hơn 2.000.
Trường ĐH Bách khoa cũng chỉ dành được 1.500 chỗ ở trong KTX trên tổng số 5.000 chỉ tiêu tuyển mới. Đây được xem là trường có số lượng chỗ ở KTX cao nhất nước, với khoảng 6.000 chỗ ở. Tuy vậy, cũng chỉ đáp ứng chừng 28% nhu cầu.
Cung không đủ cầu
Ông Dương Đức Hồng, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Hơn 70% SV phải tìm phòng trọ bên ngoài. Dù chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng không thể kham nổi, bởi số lượng SV tăng nhưng đất không tăng”.
KTX của các trường hàng năm hầu như không tăng lên, ngược lại nhiều trường buộc phải cắt giảm bớt diện tích để phục vụ cho giảng dạy, đào tạo.
Chuyện KTX khan hiếm chỗ ở không phải nhà trường không biết, chuyện SV muốn vào KTX ở nhà trường cũng biết nhưng “lực bất tòng tâm”, không biết “vẽ” đâu ra đất để tăng thêm diện tích xây thêm KTX.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều trường có KTX quá nhỏ, thậm chí còn không có KTX. Trường ĐH Luật chỉ có hai tòa nhà khiêm tốn dành cho SV ở KTX, Học viện Quan hệ Quốc tế cũng chỉ đảm bảo được chỗ ở trong KTX cho vài chục SV, cá biệt nhất phải kể đến là trường ĐH Ngoại thương… không có KTX.
Hầu hết các KTX có giá trung bình 60.000-70.000 đồng/tháng trong đó miễn phí 10 số điện, 3m3 nước, SV nào dùng vượt quá thì mới phải trả thêm, môi trường học tập an toàn, an ninh đảm bảo.
Đây cũng là lý do hấp dẫn khiến các SV cố gắng tìm mọi cách để có một suất trong các khu KTX. Bạn Nguyễn Văn Hóa - SV trường ĐH Giao thông Vận tải tâm sự: “Dãy nhà này chỉ dành cho những SV mới vào như chúng em. Điều kiện sinh hoạt ở đây không tốt như mấy khu khác trong KTX nhưng vẫn còn hơn là đi thuê nhà trọ ở ngoài.
Trong tình hình giá cả leo thang như hiện nay, ở KTX là thượng sách…”. Bạn Hoàng Cẩm Tú, SV ĐH Xây dựng còn bật mí: “Các anh chị khóa trên còn bày “chiêu” cho “lính mới” như chúng em cách “tìm đường” vào ở KTX. Đó là ngày nhập học, ít nhiều cũng có SV thuộc diện được ở trong KTX nhưng những bạn này không ở.
Vì thế, chúng em túc trực ở BQL KTX, đợi lúc tan tầm khoảng 4-5h chiều, sau khi đã thống kê được lượng SV ở KTX rồi, mình nộp đơn ngay lúc đó thế nào cũng được chấp nhận. Nhưng “chiêu” này cũng phụ thuộc vào may rủi vì những bạn thuộc diện được ở ký túc rất ít khi bỏ, bởi đa phần ai cũng từ nông thôn ra học…”.
Thiết nghĩ, nếu SV còn phải loay hoay với kiểu tư duy lối mòn là làm sao lo chỗ ăn, chỗ ở cho thật rẻ, thật tốt thì SV sẽ khó có thể tập trung cho việc học hành. Đây là bài toán dường như chưa có lời giải?!
Hân Ngọc
(Còn nữa)