Gian lận phiếu bầu dẫn đến phải tổ chức lại bầu cử có thể bị phạt tù tới 3 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, sáng 6-6, hơn 1.000 cử tri đơn vị bầu cử số 4 thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội đã đi bầu lại đại biểu HĐND xã do Phó bí thư Đảng ủy xã gian lận phiếu bầu.

Do lo sợ trượt đại biểu HĐND cấp xã nên ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tráng Việt đã lợi dụng chức vụ, đặt vấn đề với ông Nguyễn Hữu Hoàn (Tổ trưởng Tổ bầu cử số 4), lấy 75 phiếu bầu, gạch tên những ứng viên khác, chỉ để lại tên mình trên phiếu bầu và nhờ 2 dân quân đi bỏ phiếu hộ.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh đã ra quyết định về xử lý kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy xã Tráng Việt nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chủ tịch HĐND xã Tráng Việt nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Khu vực bầu cử lại tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội

Khu vực bầu cử lại tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội

Phân tích sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc Phó bí thư xã tự bỏ thêm 75 phiếu bầu cho mình là hành vi gian lận, làm sai lệch kết quả bầu cử.

Theo Điều 95 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử...thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, BLHS 2015 đã quy định 2 tội danh liên quan đến bầu cử. Điều 160 về Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân nêu rõ, người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-1 năm.

Còn theo Điều 161 về Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm. Phạm tội có tổ chức hoặc dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân thì bị phạt tù từ 1-3 năm.

Ngoài ra, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử nếu đã được bầu sẽ không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, vụ gian lận phiếu bầu xảy ra tại xã Tráng Việt có dấu hiệu của Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân. Tuy vậy, cá nhân thực hiện hành vi chỉ bị khởi tố hình sự về tội này nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Cụ thể, về mặt khách quan, hành vi giả mạo giấy tờ là hành vi người phạm tội dùng mọi cách để sửa chữa, làm giả danh sách ứng cử viên, phiếu bầu cử, biên bản kiểm phiếu…; hành vi gian lận phiếu là hành vi cố tình kiểm phiếu không đúng…; có hành vi, thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử…

Về mặt chủ quan, người phạm tội với lỗi cố ý, nhằm mục đích làm sai lệch kết quả bầu cử. Chủ thể của tội phạm là người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử như: thành viên tổ bầu cử, hội đồng bầu cử…

Nếu cá nhân sử dụng con dấu giả làm phiếu bầu cử “khống” làm sai lệch kết quả bầu cử còn có thể bị xử lý về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 BLHS.