Giảm thời gian tạm giữ phương tiện

ANTĐ - Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giao thông Đường bộ và Đường sắt đã có hiệu lực từ 1-1-2014 với nhiều điểm mới đáng chú ý:

Nhiều mức phạt vi phạm giao thông giảm 

Nghị định này thay thế các Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, Nghị định số 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đáng chú ý là quy định về mức xử phạt với các trường hợp không làm thủ tục đăng ký sang tên xe.

Từ 1-1-2015, mức phạt tiền đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, điều chuyển, thừa kế tài sản là ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng lần lượt giảm xuống còn 1-2 triệu đồng đối với cá nhân và 2-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ôtô (theo quy định trước đây là 6-10 triệu đồng).

Từ 1-1-2017, chính thức phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng hoặc 200.000- 400.000 đồng đối với cá nhân hoặc tổ chức là chủ môtô, xe gắn máy không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định của pháp luật (mức xử phạt cũ từ 800.000-1,2 triệu đồng). Nhìn chung, mức xử phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP không tăng mà được giữ nguyên như các Nghị định trước đây và có giảm nhẹ đối với một số hành vi như: Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe, chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định; Đi xe máy không chính chủ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng (Nghị định 71 là 800.000 -1,2 triệu đồng), ô tô từ 1-2 triệu đồng (Nghị định 71 là 6-10 triệu đồng)…

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Nghị định cũng bổ sung mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm mới, cụ thể: Phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với trường hợp điều khiển ôtô có liên quan trực tiếp đến tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường hoặc không tham gia cấp cứu người bị nạn; phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với người ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi phía trước để điều khiển môtô, xe gắn máy (trừ trường hợp chở trẻ em ngồi phía trước) – quy định tại Điều 6; tước quyền sử dụng GPLX 24 tháng hoặc phạt tiền từ 2-3 triệu đồng (trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX) đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy... 

Bên cạnh đó, một số quy định được người dân đặc biệt quan tâm là quy định về tạm giữ phương tiện, quy định về xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe… cũng được sửa đổi để phù hợp với thực tế. Đối với quy định về việc tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt, thời gian tạm giữ giảm xuống 7 ngày (trước đây là đến 10 ngày), số lượng các trường hợp tạm giữ cũng giảm mạnh: Chỉ quy định tạm giữ phương tiện đối với những vi phạm của người điều khiển có tính chất nguy hiểm, nếu để người vi phạm tiếp tục điều khiển phương tiện sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cao hoặc những vi phạm về điều kiện an toàn của phương tiện như điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe, điều khiển xe không gắn biển số, không đủ hệ thống hãm…

Ngoài ra, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP cũng giao Bộ Công an, Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan đến thủ tục chuyển tên chủ phương tiện theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính (thủ tục đăng ký sang tên xe tại cơ quan công an, thủ tục nộp lệ phí trước bạ tại cơ quan tài chính)…Trong Nghị định này, các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được quy định chi tiết, đúng tinh thần của Luật, là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đường sắt.