Giảm tải còn nan giải

ANTĐ - Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện. Quyết liệt chống quá tải bệnh viện, không để người bệnh nằm ghép, trước mắt tại các bệnh viện đa khoa Trung ương, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành ung bướu, sản, nhi, chấn thương… tại Hà Nội và TP.HCM.

Thủ tướng nhấn mạnh khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng bệnh viện, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư về thủ tục, quỹ đất sạch. Người đứng đầu Chính phủ thực sự bức xúc trước sự quá tải trầm trọng ở nhiều bệnh viện từ tuyến tỉnh đến Trung ương, trong khi dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm gia cầm đang gia tăng.

Thực ra, quá tải bệnh viện không phải là chuyện của vài năm gần đây. Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ trước đã từng nói 2 năm nữa sẽ giải quyết được quá tải bệnh viện còn bà Bộ trưởng đương nhiệm thì nói 3 năm nữa. Trước yêu cầu quyết liệt chống quá tải bệnh viện của Thủ tướng, lại một lần nữa “vấn nạn” này được đặt ra một cách bức bách. Câu chuyện ở đây không phải là lời hứa của các bộ trưởng mà là lời hứa đó được dựa trên cơ sở nào.

Theo một bác sỹ, giảng viên bộ môn Quản lý bệnh viện, nguyên giám đốc một bệnh viện lớn ở TP.HCM, cho đến nay chưa có một khảo sát sâu và toàn diện với thực trạng quá tải bệnh viện. Chỉ khi khảo sát đầy đủ và kỹ lưỡng thì mới tìm ra được nguyên nhân và đưa ra giải pháp. Tại Hà Nội và TP.HCM đã tính đến việc xây thêm bệnh viện, hình thành bệnh viện vệ tinh, cơ sở y tế vệ tinh cho bệnh viện tuyến trên. Chuyện này cũng gần giống như giảm tải đô thị đất chật, người đông bằng cách xây thêm đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, người dân chỉ yên tâm sống ở các đô thị mới nếu khi cơ sở hạ tầng, mọi dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa ở đó không chỉ ngang bằng mà còn phải tốt hơn chỗ cũ.

Tương tự, người bệnh chỉ tin tưởng tìm đến bệnh viện vệ tinh khám chữa bệnh khi chất lượng và uy tín không thua kém so với bệnh viện tuyến trên. Người bệnh hoàn toàn có quyền lựa chọn nơi nào có bác sỹ, cán bộ y tế tay nghề giỏi và dịch vụ chất lượng tốt. Ngành y tế đã từng áp dụng giải pháp cử cán bộ y tế luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm chống quá tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Vì sao người dân không mặn mà, tin tưởng vào mạng lưới y tế cơ sở? Bởi vì khi đưa cán bộ y tế bệnh viện tuyến trên xuống tuyến dưới vẫn nặng hình thức áp đặt, đưa những kỹ thuật y tế xuống mà không cần tìm hiểu, khảo sát và đánh giá có tiếp thu được hay không.

Theo ý kiến của chuyên gia trong ngành y, gốc rễ của tình trạng quá tải là quá coi trọng y học điều trị và xem nhẹ y học dự phòng. Câu nói cửa miệng “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” dường như đã trở nên nhàm chán. Y tế dự phòng và y tế cơ sở không được coi trọng đúng mức thì dù có đầu tư xây thêm bệnh viện, mua sắm trang thiết bị hiện đại cũng sẽ khó giảm tải tình trạng quá tải. Thực tế cho thấy, các khoa quá tải ở các bệnh viện thường là tim mạch, nhi khoa, ung thư, thần kinh, chấn thương. Hơn một nửa số bệnh nhân nằm ghép ở khoa tim mạch là tăng huyết áp và gần 1/3 là bệnh mạch vành, có thể điều trị ngoại trú. Đa số bệnh nhi đến phòng khám các bệnh viện là các bệnh nhiễm khuẩn, virus đường hô hấp, tiêu hóa, hoàn toàn có thể điều trị tại các cơ sở y tế địa phương, nếu được đầu tư tốt và chuyên môn giỏi.

Giảm tải bệnh viện quá tải không chỉ tính đến tỷ lệ thầy thuốc/vạn dân, số giường bệnh/vạn dân. Giảm tải còn nan giải nếu ngành y tế chỉ nhắm đến một mục tiêu duy nhất là chữa bệnh mà bỏ quên một sứ mệnh hết sức quan trọng: chăm sóc toàn diện sức khỏe người dân.