Giảm phiền hà, tạo thuận lợi tối đa phục vụ nhân dân

ANTĐ - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định: “Cách để giữ gìn hình ảnh người chiến sỹ Công an Thủ đô, chính là bằng hiệu quả công việc, nêu cao văn hóa ứng xử, thân thiện, gần gũi với nhân dân và hết lòng vì nhân dân phục vụ ”.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội nhấn mạnh một trong những chủ trương đã và đang được toàn lực lượng công an Thủ đô nỗ lực thực hiện trong công tác phục vụ nhân dân.

Giảm phiền hà, tạo thuận lợi tối đa phục vụ nhân dân ảnh 1
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội tặng quà
thân nhân liệt sĩ Hoàng Đình Mừng tại lễ khánh thành nhà tình nghĩa ngày 21-7-2013

Công tác Công an phải hướng đến mục tiêu “Vì dân”

- Phóng viên: Trong nhiều tháng trở lại đây, người dân chứng kiến, ghi nhận những chuyển biến tích cực của lực lượng CSGT khi ra đường làm nhiệm vụ; và những chỉ đạo quyết liệt của CATP đối với lực lượng CSKV, Công an phụ trách xã trong quá trình thực hiện Thông tư 12 của Bộ Công an về đăng ký mới phương tiện. Đồng chí có thể nói rõ hơn chủ trương này của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP?

- Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo toàn lực lượng Công an Thủ đô thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, vì nhân dân phục vụ!

CSGT, CSKV hay các lực lượng khác của Công an Hà Nội không chỉ “đẹp” khi thực thi nhiệm vụ, mà đều quán triệt và thực hiện nghiêm điều lệnh CAND, điều lệnh nội vụ cũng như các quy định của CATP ngay tại đơn vị. Để làm được điều này, yêu cầu đầu tiên mà CATP đặt ra với chỉ huy các đơn vị là tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ. Bên cạnh đó, phải thành lập các bộ phận, tổ công tác giám sát thực hiện nghiêm điều lệnh, quy trình công tác. Cùng với công tác giáo dục nhận thức, tư tưởng, CATP đang từng bước trang bị đủ quân trang, phương tiện cho CBCS khi làm nhiệm vụ. 

Một trong những lực lượng đã và đang được Đảng ủy, Ban Giám đốc tập trung chỉ đạo quyết liệt, là CSKV. Chúng tôi luôn xác định đây là lực lượng chiến lược của ngành Công an và là lực lượng gần dân nhất. Người dân có thương yêu, tin tưởng lực lượng Công an hay không; có chủ động, trách nhiệm phối hợp cùng lực lượng Công an tham gia giữ gìn ANTT hay không…phụ thuộc nhiều vào vai trò “cầu nối” của CSKV. Muốn như vậy, người CSKV phải thực sự hiểu và yêu nghề, phải gắn bó với người dân, chia sẻ và có những việc làm cụ thể, thiết thực giúp đỡ nhân dân. Mô hình “đến tận nhà dân” của CSKV Công an Hà Nội trong thực hiện Thông tư số 12 của Bộ Công an chính là sự cụ thể hóa yêu cầu “vì nhân dân phục vụ” mà Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP quán triệt đến toàn lực lượng Công an Thủ đô và CSKV nói riêng. 

- Phóng viên: Thưa đồng chí Giám đốc, thời gian qua, Báo ANTĐ đã nhận được nhiều chia sẻ tốt của bạn đọc, người dân về quy trình, tác phong của CBCS, cũng như sự thay đổi “diện mạo” trụ sở tiếp công dân ở nhiều đơn vị công an cơ sở. Đồng chí có thể chia sẻ mục tiêu mà CATP đặt ra đối với công tác tiếp dân nói riêng?

- Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung: Tư tưởng chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP đối với các đơn vị, nhất là các bộ phận tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính, là tạo điều kiện tối đa phục vụ nhân dân. Việc tạo điều kiện này phải thể hiện rõ không chỉ ở thái độ đón tiếp công dân, mà còn là sự nâng cao trách nhiệm giải quyết công việc, theo tinh thần “3 giảm” (giảm thủ tục giấy tờ, giảm số lần đi lại của người dân, và giảm thời gian giải quyết hồ sơ).

Bên cạnh đó, CATP đang tiến hành chủ trương chỉnh trang toàn bộ trụ sở tiếp dân của công an phường, đồn, trạm, thị trấn, các đội CSGT, bộ phận giải quyết thủ tục hành chính về CMND, hộ khẩu, hộ chiếu… Yêu cầu thống nhất đặt ra là bộ phận tiếp công dân phải đảm bảo ánh sáng, đồng bộ, thống nhất mẫu bàn, ghế, niêm yết khẩu hiệu, nội quy… để tạo thuận lợi cho công dân cũng như bảo đảm tính thống nhất của lực lượng vũ trang.

Hiện nay, CATP đã rà soát, lên kế hoạch và bắt tay triển khai chỉnh trang, nâng cấp các trụ sở tiếp dân của các đội CSGT Công an 29 quận, huyện, thị xã. Phương châm là những đơn vị trụ sở xuống cấp, chật chội quá sẽ được ưu tiên giải quyết trước. Đây là điều hết sức cần thiết; bởi không thể phục vụ nhân dân tốt nhất khi điều kiện làm việc lại chưa đáp ứng yêu cầu!

Chú trọng công tác cán bộ, pháthuy tính gương mẫu của chỉ huy

- Phóng viên: Tại buổi làm việc gần đây với Công an thị xã Sơn Tây; đồng chí Giám đốc đã phê bình Ban chỉ huy Công an thị xã chậm trễ, thiếu dứt khoát trong quy trình và tiến độ bổ nhiệm cán bộ chỉ huy. Đồng chí có thể cho biết quan điểm, chỉ đạo của Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP về vấn đề này?

- Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung: Người chỉ huy một đơn vị chính là “đầu tàu”, và đoàn tàu khó có thể vận hành trôi chảy nếu cứ kéo dài tình trạng không có “đầu tàu”. Đó là chưa kể sự kéo dài ấy có thể dẫn đến những thông tin, suy luận, đồn thổi võ đoán, tiêu cực. Quan điểm và cách làm của Đảng ủy, Ban Giám đốc rất rõ ràng: không để “trống”  quá lâu vị trí chỉ huy, nhất là cấp trưởng đơn vị. Ngay như việc đề bạt hay luân chuyển cán bộ chỉ huy cấp phòng, quận, huyện, Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP cố gắng rút ngắn thời gian. Và vị trí nào trống do luân chuyển, đề bạt sẽ nhanh chóng được bổ nhiệm, thay thế. Cán bộ chỉ huy được bổ nhiệm không những phải đủ năng lực chuyên môn, mà phải có uy tín để khi nhận nhiệm vụ sẽ được sự ủng hộ đồng thuận của cán bộ, chiến sỹ.

Cấp ủy, chỉ huy đơn vị phải quan tâm bồi dưỡng, làm tốt công tác đào tạo và đề bạt cán bộ, đảng viên; có quy hoạch tầm nhìn xa và xây dựng đội ngũ kế cận hợp lý. Người chỉ huy khi được đề bạt có thể bắt tay hiệu quả ngay với công việc, trọng trách mới. Tiêu chí cán bộ chỉ huy giỏi cũng được Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP xác định, là người dám chịu trách nhiệm, quy tụ được cán bộ, chiến sỹ và xây dựng, vun đắp được tinh thần đoàn kết trong đơn vị.

- Phóng viên: Một số địa bàn, nhất là các huyện ngoại thành, từng nêu đề xuất Ban Giám đốc CATP về tình trạng thiếu điều tra viên, trinh sát giỏi. Bên cạnh đó là tâm lý của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ trẻ sau khi ra trường chỉ “thích” về phòng nghiệp vụ, hoặc được công tác ở các lĩnh vực Kinh tế, Môi trường. Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP đã có định hướng thế nào để giải quyết tình trạng, tâm lý trên?

- Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung:  Tăng cường cán bộ cho công an các địa bàn ngoại thành, một trong những chương trình lớn của Bộ Công an trong năm công tác 2013, đã và đang được CATP nỗ lực thực hiện bằng nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể. Thứ nhất là gợi mở sự chủ động của đơn vị, tính toán để điều chỉnh hợp lý điều tra viên, trinh sát giỏi cho các đơn vị mũi nhọn. 

Thứ hai, CATP sẽ tăng cường, luân chuyển cán bộ ở các địa bàn nội thành ra ngoại thành. Việc luân chuyển có thể kéo dài, song cũng có thể có thời hạn, để trước mắt bổ sung sự thiếu biên chế cho các đơn vị. Trước mắt, CATP đã đề nghị các Phòng CSKT, Ma túy, Hình sự, Môi trường... cử các tổ công tác ra những địa bàn ngoại thành được xác định trọng điểm về ANTT. Cùng với đó tăng cường sự phối hợp thường xuyên giữa các phòng nghiệp vụ CATP với các địa bàn ngoại thành. 

Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP đã có chủ trương, chỉ đạo rất rõ ràng: chiến sỹ mới ra trường sẽ phải đưa về cơ sở phường, đồn, trạm. Phải sau thời gian công tác nhất định mới được xem xét để luân chuyển vị trí, nhưng tinh thần là luân chuyển phù hợp với công việc chứ không phải theo “ý thích” cá nhân. Việc luân chuyển tôi tin sẽ hữu ích với chính cán bộ, chiến sỹ được luân chuyển, bởi sẽ biết nắm bắt thông tin sâu sát từ cơ sở. Đây chính là một trong những mục tiêu chúng tôi đặt ra.

Bằng tình cảm, công việc để “kéo” CBCS vi phạm

- Phóng viên: Tại cuộc họp giao ban tháng trực tuyến với chỉ huy công an cơ sở mới đây, đồng chí Giám đốc đã chia sẻ một vấn đề mà cán bộ, chiến sỹ rất đồng tình, đó là “Người chỉ huy đơn vị phải bằng tình cảm, công việc để “kéo” cán bộ, chiến sỹ từng vi phạm hay có biểu hiện vi phạm”. Đồng chí có thể nói rõ hơn quan điểm này?

- Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung: Việc này đã được Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP cụ thể hóa tại Quyết định số 100, ban hành “Quy định tạm thời về chế độ quản lý và phòng ngừa sai phạm đối với cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô”, có hiệu lực từ ngày 4-1-2013. 

Cùng với việc quan tâm, bồi dưỡng cán bộ “nguồn”, đảng viên; mục tiêu Quyết định số 100 đặt ra là phòng ngừa sai phạm đối với cán bộ, chiến sỹ, không chỉ đơn thuần bằng kỷ luật, mà phải bằng cả trách nhiệm, tình cảm và công việc. Mỗi đơn vị, bằng nhiều cách phải chủ động, nghiêm túc rà soát những cán bộ, chiến sỹ có biểu hiện vi phạm, đưa vào danh sách quản lý. Chỉ huy đơn vị sẽ phải phân công cán bộ quản lý, kèm cặp các trường hợp đó. Và cách quản lý tốt nhất chính là giao việc để họ được làm, được phấn đấu, được sửa sai. CATP hiện đã cấp phát cho mỗi cán bộ, chiến sỹ 1 cuốn sổ tay, để ghi lại công việc hàng ngày cũng như kết quả đạt được. Cuốn sổ này không chỉ phản ánh rõ nét khối lượng, chất lượng công việc của từng cá nhân, mà còn là địa chỉ để cơ quan cấp trên kiểm tra hiệu quả công việc đã làm, kết quả công tác quản lý, giáo dục, phòng ngừa đối với cán bộ, chiến sỹ.

- Phóng viên: Quyết định 100 đã được thực thi hơn 9 tháng. Đồng chí có thể đánh giá hiệu quả bước đầu, và chia sẻ những mong muốn ở tư cách người đứng đầu lực lượng Công an Thủ đô với cán bộ, chiến sỹ của mình?

- Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung: Đến thời điểm này, có thể khẳng định, việc quán triệt và thực hiện nghiêm các nội dung Quyết định số 100 chính là “điểm nhấn” ở các đơn vị trong công tác Xây dựng lực lượng. Quyết định 100 đã có “đà” tốt, và đang tạo được thành “nếp” tương đối bài bản, quyết liệt ở nhiều đơn vị CATP. Số cán bộ, chiến sỹ có biểu hiện vi phạm, qua rà soát, báo cáo của các đơn vị, có thể tăng. Nhưng thực tế số vụ vi phạm liên quan đến cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô trong thời gian qua đã giảm. Điều này cho thấy sự nghiêm túc của các đơn vị qua quá trình rà soát, qua các bản báo cáo, cũng như hiệu lực của Quyết định 100.

Điều tôi mong muốn đối với cán bộ, chiến sỹ, là không ngừng nỗ lực giữ gìn, nâng cao hình ảnh người chiến sỹ Công an Thủ đô trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế. Từ tư thế, tác phong trong ứng xử với người dân; từ ý thức, tinh thần trách nhiệm trong công việc, với đồng đội; và sự không ngừng học hỏi để có thêm kiến thức pháp luật, nghiệp vụ. Vấn đề quan trọng nữa, cách để giữ gìn hình ảnh người chiến sỹ Công an Thủ đô, chính là bằng hiệu quả công việc, nêu cao văn hóa ứng xử, thân thiện, gần gũi với nhân dân và hết lòng vì nhân dân phục vụ. 

- Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Giám đốc.