- Làm gì khi mua phải xe gian?
- Không cho trẻ đến trường là trái luật
- Tránh rủi ro khi lấy chồng "đào mỏ"
Hỏi: Tôi 26 tuổi và đã lập gia đình, nhưng tới gần đây, tôi không hề biết bố mình là ai. Tháng trước, mẹ tôi tình cờ thấy UBND phường niêm yết danh sách những người thuộc diện thừa kế của một gia đình nên đã nói cho tôi biết sự thật tôi là con đẻ của người để lại di sản (ông mất năm 2006). Mẹ muốn đưa tôi đến gia đình đó đòi quyền được hưởng một phần tài sản mà bố tôi để lại. Việc này khiến tôi rất sốc và khó xử, bởi lẽ ngoài lời nói của mẹ tôi ra thì không có gì để chứng minh tôi là con đẻ của người để lại tài sản. Xin hỏi tôi phải làm thế nào để chứng minh mình là con đẻ của người đã mất? Và nếu tôi là con đẻ của ông ấy thì tôi có được hưởng một phần di sản thừa kế không?
Phạm Thị Quỳnh Nga (Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội)
Ths. Luật sư Huỳnh Phương Nam - Trưởng VPLS Huỳnh Nam
Địa chỉ: Số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội
Mong muốn truy nhận mối quan hệ cha - con là yêu cầu chính đáng, trước hết thường xuất phát từ nhu cầu tình cảm huyết thống. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình mà yêu cầu này có thể sẽ gây ra sự xáo trộn nhất định trong chính gia đình bạn và gia đình hiện tại của người được cho là cha đã mất của bạn.
Theo quy định tại Điều 90 - Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Thẩm quyền giải quyết thuộc TAND. Điều 91 - Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đương sự phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết
Vì vậy, bạn phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ liên quan về mối quan hệ huyết thống với người cha chưa được công nhận đó. Hiện nay, về mặt y học, chứng cứ được coi là chắc chắn nhất để chứng minh quan hệ huyết thống là giám định ADN. Ngoài ra, các chứng cứ khác có thể là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con hoặc thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng, thông tin khác chứng minh mối quan hệ cha con, làm căn cứ để Tòa án xem xét.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong trường hợp cần thiết phải giám định ADN. Bởi gia đình hiện tại của người được cho là cha đã mất từ lâu (năm 2006) của bạn rất có thể sẽ không hợp tác trong việc thu thập và cung cấp mẫu gene để giám định. Trường hợp có phán quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa án xác định bạn là con đẻ của người để lại di sản thì bạn là người thừa kế thuộc hàng thứ nhất và việc hưởng, phân chia di sản được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.