Giảm bớt áp lực trường học quá tải

ANTD.VN - Gần 1,8 triệu học sinh Hà Nội tíu tít tựu trường, chuẩn bị hành trang sẵn sàng bước vào năm học mới chính thức khai giảng đầu tháng 9. 

Nhà trường, thầy cô giáo cũng khẩn trương bắt tay ngay vào cuộc với khí thế và quyết tâm mới cho một niên học đổi mới toàn diện sâu sắc, triệt để như kỳ vọng của cả xã hội. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của ngành giáo dục vẫn còn ngổn ngang khó khăn, thách thức, trong đó cơ sở hạ tầng trường, lớp là một trong những rào cản lớn nhất mà một mình ngành giáo dục không đủ sức vượt qua.

Tình trạng quá tải trường, lớp không chỉ diễn ra căng thẳng trong các quận nội thành vốn “đất chật, người đông” mà còn gây áp lực lớn ở các quận, huyện xa trung tâm, nhất là tại các khu đô thị mới nơi mật độ dân cư tăng đột biến, trong khi quy hoạch, quỹ đất dành để xây dựng cơ sở giáo dục từ mẫu giáo tới THCS, THPT thiếu trầm trọng.

Dư luận đã lên tiếng cảnh báo việc “nhồi nhét” học sinh đến mức nghẹt thở. Trung bình một lớp học theo quy định sĩ số chỉ đến 40-45 học sinh, song thực tế lên tới 60, có lớp “nén chặt” 70 học sinh, không khác gì bệnh viện quá tải đợt cao điểm dịch sốt xuất huyết. Với số lượng vượt ngưỡng như vậy, đương nhiên chất lượng dạy và học của thầy trò không thể nói tốt hơn được.

Trường lớp chật chội làm sao có nổi cơ sở vật chất như sân chơi, bể bơi, phòng thể dục để nâng cao thể chất, rèn luyện sức khỏe học sinh? UBND TP Hà Nội đã có chủ trương và chỉ đạo đưa những dự án “treo”, những diện tích đất hoang phí, cỏ mọc để xây dựng hàng chục lớp học nhằm góp phần giảm bớt áp lực quá tải cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Có thể nói, trong khi quỹ đất dành để xây dựng chung cư, cao ốc văn phòng, khách sạn không thiếu nhưng lại khan hiếm đất để mở mang, phát triển những ngôi trường khang trang cho hàng vạn học sinh đang phải chen chúc trong những lớp học thiếu ánh sáng, thiếu cả dưỡng khí. Còn một vấn đề nan giải cũng được đặt ra, đó là nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng trường, lớp mới.

Chỉ đơn cử như việc cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình vệ sinh công cộng trong các trường học đã xập xệ đến mức thảm hại, hiện cũng chưa được doanh nghiệp, nhà đầu tư “mặn mà” tham gia. Từ đó có thể nói, ngay cả khi đã có đất “sạch” để thay đổi bộ mặt hệ thống trường học ở Thủ đô, thành phố cần có một cơ chế mới thông thoáng, khuyến khích, kêu gọi xã hội hóa huy động mọi nguồn lực vào lĩnh vực phi lợi nhuận này.

Hiện ở một số tỉnh, thành phố đã áp dụng khá thành công phương thức xã hội hóa, hợp tác công tư. Có lẽ đây là hướng đi, lối thoát khả dĩ để giảm tải trường học quá tải.