Giải tỏa đầu vào đại học

ANTĐ - Ngay từ thời điểm này, kỳ thi THPT quốc gia 2016 và xét tuyển đại học, cao đẳng đã có những bước khởi động, lấy đà rất thiết thực, hữu ích. Nhiều trường trên cả nước đã chủ động mở rộng cánh cửa đón thí sinh đến tiếp xúc, tìm hiểu và tư vấn, hướng dẫn cụ thể để các em có thể lựa chọn trường, ngành nghề đúng năng lực bản thân, xác định được con đường tu thân, lập nghiệp lâu dài.

Những chương trình giúp thanh niên hướng nghiệp, khởi nghiệp có sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp, hội doanh nghiệp trẻ với các quỹ đầu tư hàng trăm tỷ đồng thực sự “chắp cánh” cho giới trẻ vươn tới khát vọng lập thân, lập nghiệp mới chỉ là đầu ra của nguồn nhân lực. 

Nếu không đi trước, đón đầu ngay từ đầu vào, tức là không giúp thí sinh sáng suốt lựa chọn ngành nghề khi đứng trước “ngã ba đường”, thậm chí chạy theo đám đông thì tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, bằng cấp cao nhưng vẫn thất nghiệp càng nhiều. Thậm chí có những ngành tưởng là “nóng”, thu nhập cao, dễ tìm được chỗ làm, nhưng thực ra trên thị trường đã bão hòa, doanh nghiệp, công ty không cần tuyển mà thí sinh vẫn đổ xô đăng ký, trong khi có những trường đại học hoặc ngành nghề chỉ chiêu sinh được vài chục người. 

Thực trạng này đã tái diễn nhiều năm nay, không thể hoàn toàn đổ lỗi cho thí sinh cũng như các bậc cha mẹ khi các cửa trường vẫn đóng im ỉm, thiếu thông tin, thiếu sự liên kết. Chính vì vậy, hiện nay ở Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề đang mở toang cổng trường đón  thí sinh và cả phụ huynh.

Đây có thể coi là “ngày hội” giao lưu lần đầu tiên được tổ chức giữa thí sinh và nhà trường. Lần đầu tiên các em được trò chuyện, nêu những thắc mắc với giáo viên, các chuyên gia tư vấn của từng ngành nghề mà mình yêu thích và muốn lựa chọn. Rất nhiều vấn đề thiết thực, bổ ích đã được giải tỏa, phân tích, mổ xẻ. Hơn thế, thí sinh còn có thể nhìn thấy trước tương lai của mình thông qua những hình ảnh cụ thể được thể hiện sinh động.

Trở ngại lớn nhất đối với thí sinh là 12 năm ăn học trên ghế nhà trường phổ thông, nhưng chưa trang bị đủ kiến thức, hiểu biết và kỹ năng “mềm” để có cách nhìn, sự tự tin cùng sự năng động chuẩn bị hành trang bước trên con đường mới với cái đích rõ ràng ở phía trước.

Nhiều chuyên gia giáo dục, đào tạo đã cảnh báo một thực trạng đáng lo ngại là Việt Nam đang đi ngược với xu hướng của thế giới, khi mà  ở nhiều nước, hầu hết thí sinh không rơi vào tình trạng chen chúc vào các trường đại học như ở nước ta để cố giành tấm bằng bởi lớp trẻ đã được phân luồng, hướng nghiệp ngay từ cấp phổ thông, liệu sức, năng lực của bản thân để không uổng phí thời gian, tiền bạc.

Việc các trường đại học, cao đẳng mở cửa tư vấn, chỉ đường dẫn lối cho thí sinh, được dư luận xã hội hoan nghênh, ủng hộ bởi đã tạo ra  một lối thoát thông thoáng, giải tỏa đầu vào đại học, cũng chính là góp phần sàng lọc đầu ra cho nguồn nhân lực của mọi lĩnh vực kinh tế.