Trường ngoài công lập: Không cam chịu làm “sân sau”

ANTĐ - Các trường có tiếng khối ngoài công lập Hà Nội vừa cùng nhau đưa ra những định hướng phát triển trong bối cảnh đổi mới giáo dục sắp tới. Để thoát khỏi cái bóng của các trường công lập, nhiều trường đã mạnh dạn đổi mới chương trình, mục tiêu giáo dục.

Nhiều trường ngoài công lập của Hà Nội mạnh dạn đầu tư theo mô hình chất lượng cao

Thiệt thòi vì bị coi là “sân sau”

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã thừa nhận sai lầm nghiêm trọng của ngành giáo dục thời gian qua khi mới chỉ tập trung, thậm chí quá coi trọng đầu vào đại học mà không coi trọng đầu ra dẫn tới phản ứng của xã hội với sản phẩm đầu ra của các trường đại học, đặc biệt là sinh viên tại chức, sinh viên ngoài công lập. “Rút kinh nghiệm, chúng ta phải coi trọng chuẩn đầu ra ở phổ thông, trong đó có các trường ngoài công lập. Nhiều người vẫn cho rằng trường ngoài công lập thành lập là để giải quyết đầu dưới, tạo cơ hội học tập cho học sinh chưa đủ điều kiện vào công lập. Và như vậy chất lượng đầu ra khối ngoài công lập cũng bị coi thường. Đây là điều phải xem lại”- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phân tích.

  Thực tế cho thấy, giáo viên có giỏi đến mấy mà học sinh không có tư chất thì cũng rất khó đem lại hiệu quả giáo dục. Lối thoát cho sự thiệt thòi này của các trường ngoài công lập, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là khuyến khích các trường ngoài công lập theo mô hình chất lượng cao.  “Mục tiêu giáo dục là làm cho con người phát triển toàn diện, phát huy cao nhất khả năng của mỗi người. Vì vậy khi triển khai đổi mới giáo dục, chúng ta phải chú ý đến ưu thế của trường ngoài công lập. Hiện nay trường ngoài công lập có ưu thế như cơ chế quản lý linh hoạt hơn công lập. Cùng với cơ chế mở của Bộ GD-ĐT, trường ngoài công lập có thể linh hoạt trong việc tổ chức nội dung dạy học phù hợp như dạy học song ngữ hoặc thiết kế một chương trình giáo dục phù hợp với cả Việt Nam và thực tế cho thấy nhiều trường đã thành công” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

Những cú bứt phá

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết: Trước đây ta nặng dạy chữ, nhẹ dạy người. Thực tế chúng tôi phát triển với gần 5.000 học sinh ở cả 3 cấp học là vì chúng tôi rất coi trọng giáo dục toàn diện. Nếu chúng tôi dạy người thật tốt thì công dân đó sẽ học tập suốt đời, sẽ trở thành những công dân có ích”. 

  Không có được xuất phát điểm thuận lợi, đại diện trường THPT Bình Minh, một trường khó khăn của huyện ngoại thành cho biết, trường đón nhận tất cả học sinh, kể cả học sinh có lực học yếu, kém nhưng tiêu chí trường đặt ra là học sinh phải tiến bộ 100%. “Trường đưa ra tôn chỉ: Vì sự phát triển của từng trò? Vì vậy điều đầu tiên phải dỗ, sau mới đến dạy. Khẩu hiệu mà trường đưa ra: “Dạy cách sống, dạy cách học và dạy cách làm”. Vì vậy chúng tôi tổ chức đời sống học đường phong phú, thu hút học sinh vào việc học” - vị đại diện này cho biết. 

Nên xem xét, mạnh dạn cắt bỏ những gì không thiết thực là điều được ông Nguyễn Phú Cường, Hiệu trưởng trường THPT Lô mô nô xốp chia sẻ nếu muốn đạt hiệu quả giáo dục một cách thực chất. Theo ông Nguyễn Phú Cường, trường ngoài công lập phải lo xây dựng cơ sở hạ tầng thật tốt để thực hiện mục tiêu giáo dục của mình. Bên cạnh đó, chính sách với đội ngũ giáo viên cũng quan trọng không kém và không chỉ quan tâm đồng lương, mà còn phải tạo điều kiện cho giáo viên được làm việc trong môi trường đủ điều kiện, được phát huy năng lực.

 Hoan nghênh mục tiêu của các trường ngoài công lập đi theo hướng làm những gì mà trường công lập không làm được và cho rằng đấy mới là mục tiêu chính giáo dục, tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng,  các trường ngoài công lập cần nâng cao vai trò quản lý, giám sát của các đối tượng trong nhà trường chứ không nên phụ thuộc vào mỗi chủ trương. Điều này sẽ tránh được tình trạng đi chệch hướng của một số trường theo hướng kinh doanh mà quên mất nhiệm vụ chính là dạy học.