Cuối năm 2011, việc hợp nhất 3 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa được đánh giá là một sự kiện lịch sử trong ngành ngân hàng Việt Nam. Và thương vụ sáp nhập HBB vào SHB vừa hoàn tất đã cho thấy xu hướng sáp nhập của các tổ chức tài chính sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo đánh giá của NHNN, đang có khoảng trên dưới 10 tổ chức tín dụng rơi vào diện cần phải kiểm soát và cần được xử lý. Giải pháp hợp nhất giữa các tổ chức tín dụng sẽ khả thi hơn cả, thay vì NHNN phải ép buộc sáp nhập lại với nhau. Những ngân hàng có tiềm lực mạnh, cũng như có một bộ máy quản lý tốt có thể “nâng đỡ” các ngân hàng làm ăn kém hiệu quả thông qua việc sáp nhập. Các khoản nợ xấu sẽ được xử lý, góp phần đẩy mạnh hoạt động tín dụng, đưa vốn vào nền kinh tế, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Để phát triển thì việc chấp nhận “thương đau” cũng là điều bình thường. Chủ tịch HĐQT HBB chia sẻ, làm ăn kém dẫn đến thua lỗ và phải sáp nhập là do quản trị kém. Sau thất bại này, dù tiếc nuối khi bỏ thương hiệu nhiều năm xây dựng nhưng vẫn phải nhìn vào thực tế để đi lên. “Nếu nhìn thấy cái chết mà không dũng cảm tiến lên, hướng tới tương lai thì có thể thêm sai lầm và hậu quả lớn hơn. Sáp nhập như vậy là thành công”- vị Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh sự cần thiết khi ngân hàng rơi vào tình cảnh thua lỗ.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, ở thời điểm hiện nay, việc bắt tay sáp nhập để cùng khai thác thị trường, vị thế của mỗi đơn vị là điều rất tốt để gia tăng sức cạnh tranh của mình mà các doanh nghiệp trong nước đều có thể thực hiện. Những doanh nghiệp cùng ngành nghề, có thể tận dụng lợi thế của nhau thì việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp cũng là một giải pháp để vượt qua khủng hoảng.