Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam:

Giải pháp trọng tâm thuộc về doanh nghiệp

ANTĐ - Doanh nghiệp cần sản xuất ra hàng hóa chất lượng tốt, giá cả hợp lý và có chế độ hậu mãi chu đáo với người tiêu dùng để hàng Việt đến với đông đảo người dân Việt Nam hơn, đây là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo về đẩy mạnh tuyên truyền dùng hàng Việt Nam do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa tiến hành.

Hàng Việt đến với người dân nông thôn nhờ nỗ lực của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Không ai hiểu sự cần thiết của thị trường bằng chính các doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp muốn người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng của mình thì cần xây dựng lòng tin với người tiêu dùng từ chính thương hiệu của doanh nghiệp. Ở góc độ người sản xuất, doanh nghiệp phải coi quyền lợi của khách hàng như quyền lợi của mình”. Theo ông Hùng, người tiêu dùng không thể chấp nhận các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: “Nhà sản xuất kinh doanh chân chính không thể lợi dụng lòng yêu nước của người tiêu dùng để tiêu thụ sản phẩm không đảm bảo chất lượng”.

Ông Huỳnh Tấn Quyền-Phó Tổng giám đốc phụ trách khối hành chính Công ty cổ phần Dây và cáp điện Thượng Đình (Cadi-sun) chia sẻ: “Chúng tôi luôn băn khoăn điều gì khiến người Việt vẫn phải “ưu tiên” khi dùng hàng Việt? Một kế hoạch tổng thể nâng cao chất lượng sản phẩm đã được toàn công ty thực hiện, với cam kết sản phẩm khi đưa ra thị trường đảm bảo 100% được kiểm nghiệm đạt TCVN, IEV và đạt chứng nhận VDE của châu Âu. Cadi-sun cũng đưa ra chính sách bảo hành sản phẩm 10 năm để người tiêu dùng yên tâm”. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng tiến hành đồng bộ việc nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng, xu hướng người tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối chuyên nghiệp, năng động hơn và tìm cách giới thiệu sản phẩm với đông đảo người dân. Qua 2 năm đồng hành với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, doanh thu của công ty tăng trưởng 28-35%/năm, thu nhập người lao động tăng thêm 15%.

Sản phẩm đã quen thuộc với đông đảo người dân nói chung và trong các khách sạn lớn, sang trọng của Việt Nam như: Sheraton, Intercontinental, hệ thống Vinpearland 5 sao... nói riêng, ông Phạm Văn Tuần Tổng giám đốc Công ty Hanvico khẳng định: “Chỉ có thể sản xuất ra những mặt hàng đẹp, tốt mang tính đặc thù mới xây dựng được thương hiệu mạnh và được khách hàng tôn vinh. Sản phẩm cần “tốt cả gỗ, tốt cả sơn” để người Việt dùng hàng Việt thấy tự hào”.

Theo các chuyên gia lĩnh vực thị trường, không ai có thể thay thế vai trò chủ đạo của doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nói chung và tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nội địa nói riêng. Bởi doanh nghiệp là “cha đẻ” của sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng; doanh nghiệp phải nghiên cứu sản xuất sản phẩm phù hợp; phải tự tìm hướng phân phối, xây dựng thương hiệu và duy trì thị trường dài lâu. Sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, ủng hộ của người dân chỉ là “chất xúc tác” ban đầu cho việc tiêu thụ hàng Việt thuận lợi hơn.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn thực hiện cuộc vận động một cách hình thức, đưa hàng về nông thôn bán chóng vánh, thiếu nghiên cứu thị trường để đưa ra những sản phẩm phù hợp. Ngay cả những cửa hàng quần áo Việt Nam xuất khẩu cũng bán hàng với size lớn, chỉ phù hợp với bộ  phận nhỏ người tiêu dùng Việt. Thực tế này cũng phần nào cho thấy hàng Việt Nam tại thị trường Việt Nam là hàng xuất khẩu dư thừa.

Theo các chuyên gia, đối với doanh nghiệp, thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu đều có vai trò quan trọng. Nếu doanh nghiệp coi thị trường nội địa là “bệ đỡ” cho sản xuất và xuất khẩu thì sản phẩm, cách ứng xử với người tiêu dùng cũng cần tạo niềm tin vững chãi. Hàng Việt ở trong nước cũng cần có uy tín, thương hiệu như hàng Việt xuất khẩu để người Việt luôn chọn dùng hàng Việt và tự hào vì điều đó.