Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip:

Giải pháp POS dùng chung để quản trị rủi ro và giảm chi phí cho ngân hàng

ANTD.VN - Các ngân hàng Việt Nam đang tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi toàn bộ thẻ ghi nợ nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip. Tuy nhiên, vấn đề các ngân hàng đang gặp phải là chi phí đầu tư khá lớn, bao gồm các chi phí cho hạ tầng, hệ thống quản lý thẻ, hệ thống ATM, POS…

Việc đầu tư chuyển đổi hệ thống thẻ, máy POS, máy ATM đồng bộ công nghệ chip là một gánh nặng chi phí cho các ngân hàng

Gánh nặng hàng nghìn tỷ chi phí phát hành thẻ chip

Hiện tại, các ngân hàng thương mại đã phát hành lũy kế khoảng 130 triệu thẻ ATM, tuy nhiên số lượng thẻ thực tế đang hoạt động có thể chỉ vào khoảng 70 triệu thẻ. Dự kiến, đến cuối năm nay, sẽ có ít nhất 30% số thẻ đang lưu hành phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, tương đương khoảng 21 triệu thẻ ATM được chuyển đổi sang thẻ chip. Đến cuối năm 2021, toàn bộ thẻ ATM trên thị trường sang thẻ chip.

Theo tìm hiểu, mức giá phổ biến của thẻ chip khoảng 1,5-2,5 USD/chiếc, bình quân khoảng 2 USD/thẻ, tương đương khoảng 45.000 đồng/thẻ. Như vậy, nếu nhân với con số khoảng 70 triệu thẻ hiện nay thì chi phí ngân hàng bỏ ra khi chuyển đổi thẻ lên đến hơn 3.000 tỷ đồng. Thế nhưng, chi phí phát hành thẻ thực tế chưa phải là chi phí lớn nhất mà các ngân hàng phải bỏ ra khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip mà đi kèm đó là chi phí để nâng cấp thiết bị đầu cuối là máy POS, máy ATM, chi phí quản lý thẻ… 

“Mặc dù chi phí chuyển đổi khá lớn khi chi phí phôi thẻ chip gấp 7-8 lần so với phôi thẻ từ nhưng ngân hàng sẽ cân nhắc để hài hòa. Theo đó, có thể sẽ có một số chương trình miễn phí cho khách hàng cũ trong giai đoạn đầu chuyển đổi”.

Ông Nguyễn Hưng (Tổng Giám đốc TPBank)

Theo ước tính, để nâng cấp toàn bộ máy POS tuân thủ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, chi phí sẽ dao động từ 10 triệu đồng/máy. Với số lượng máy POS hiện tại và số máy POS phát sinh thời gian tới, ngân sách để thay thế số máy POS này cũng lên tới 3.000 tỷ đồng. 

Bản thân các ngân hàng cũng thừa nhận, vấn đề chi phí là một gánh nặng khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, đa phần các ngân hàng vẫn chấp nhận “gánh” toàn bộ chi phí này. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết mặc dù chi phí chuyển đổi khá lớn khi chi phí phôi thẻ chip gấp 7-8 lần so với phôi thẻ từ nhưng ngân hàng sẽ cân nhắc để hài hòa. Theo đó, có thể sẽ có một số chương trình miễn phí cho khách hàng cũ trong giai đoạn đầu chuyển đổi. Tương tự, phía Vietcombank cũng cho biết, chi phí chuyển đổi thẻ chip sẽ được các ngân hàng miễn phí giai đoạn đầu khi thực hiện.

Còn thời gian cụ thể áp dụng việc miễn phí chuyển đổi thẻ thì ngân hàng đang tính toán. Lãnh đạo Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), cũng cho hay, dù ngân hàng hiện đang có khoảng 500 máy POS và khoảng 1,5 triệu thẻ nội địa cần phải nâng cấp nhưng ngân hàng này khẳng định sẽ chi trả toàn bộ chi phí chuyển đổi sang thẻ chip cho khách. Phía Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia (Napas) cũng cho biết đang hỗ trợ 80% phí chuyển mạch cho các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi.

Cần thiết đầu tư hệ thống máy POS đồng bộ

Tuy nhiên, về lâu dài, để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi 100% thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip thì việc bỏ ra hàng nghìn tỷ lại là một bài toán không dễ cân đối. Theo lộ trình Ngân hàng Nhà nước đặt ra, đến cuối năm 2019, sẽ có ít nhất 25 triệu thẻ ATM, 150.000 máy POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ) và 6.000 máy ATM sẽ phải hoàn tất việc chuyển đổi để đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở của thẻ chip nội địa.

Nếu các ngân hàng Việt đang “mạnh ai nấy làm” sẽ vừa khiến hệ thống trang thiết bị thanh toán tại các điểm bán hàng thiếu đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, chồng chéo về đầu tư và không tận dụng được hạ tầng chung. Một điều đáng lưu ý khác, hiện tại Việt Nam đã xuất hiện các điểm bán trá hình thanh toán bằng mã QR Trung Quốc Wechat và Alipay. Đây là hình thức thanh toán xuyên biên giới bất hợp pháp thông qua các ứng dụng thanh toán điện tử giữa người mua ở nước này với người bán ở nước khác.

Hành vi này gây ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia, vi phạm quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước vì niêm yết giá và thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam, dòng tiền chảy từ thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử của người mua sang thẳng ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng của người bán ngay tại Trung Quốc chứ không về Việt Nam, dẫn đến nhà nước không quản lý được giao dịch và thất thu thuế.

Điều này đòi hỏi một hệ thống máy POS đồng bộ. Hiện Napas đang phối hợp cùng Công ty KEB Hana Card Co., Ltd (KEB Hana Card) và Alliex Vietnam JSC    (Alliex) xây dựng phương án hợp tác phát triển và quản lý hiệu quả mạng lưới POS dùng chung (shared POS) tại Việt Nam.

Theo ông Francis Heo, Phó Chủ tịch Alliex Việt Nam, giải pháp POS dùng chung sẽ hỗ trợ các ngân hàng quản lý đơn vị chấp nhận thẻ. “Các thiết bị POS dùng chung của Alliex sẽ đáp ứng các nền tảng công nghệ thanh toán mới như thẻ chip nội địa, QR, NFC… cùng với mạng lưới chăm sóc khách hàng toàn quốc để hỗ trợ các điểm bán”, ông Francis Heo nhấn mạnh. Theo các chuyên gia, giải pháp POS dùng chung có thể trở thành một trong những giải pháp trọng tâm để quản trị rủi ro và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta.