Giải pháp nào khắc phục nguy cơ thiếu hụt lao động khi bình thường mới?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Sự dịch chuyển lao động số lượng lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh khiến quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ là tín hiệu cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực.

Doanh nghiệp tái sản xuất khi bình thường mới
Doanh nghiệp tái sản xuất khi bình thường mới

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động rất tiêu cực đến thị trường lao động.

Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm tiêu cực khi tăng việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và giảm việc làm trong khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Đã có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh, với khoảng 1,3 triệu lao động dịch chuyển từ tháng 7 đến tháng 9.

Trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP.HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Các tỉnh có đông lao động trở về là: An Giang 40.000 người, Sóc Trăng 33.000, Kiên Giang 32.000 người, Cà Mau gần 21.000 người, Hậu Giang 9.211 người...

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, việc lao động trở về quê khiến quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là những tỉnh thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, nơi đã và đang bị tác động rất lớn bởi đại dịch. Sau khi các lao động trở về quê gây ra tình trạng thiếu lao động.

Các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trọng điểm như TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương có nhu cầu tuyển lao động lớn sau khi dừng giãn cách xã hội; trong khi đó một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thì số lao động không có việc làm nhiều, khả năng tìm việc làm tại tỉnh gặp khó khăn khi cầu lao động không lớn.

Khảo sát gần 23.000 doanh nghiệp trên toàn quốc cho thấy có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Trong đó, tập trung cao nhất ở là Bình Dương (36,9%); Bình Phước (34,4%) và TP.HCM là 31,8%; Thiếu hụt lao động theo ngành: điện tử (55,6%), da giày (51,7%), May (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), dệt (39,5%).

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, qua đó có những giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp.

Phục hồi thị trường lao động phải đặt trong mục tiêu chung về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Đồng thời, bảo đảm từng bước phát triển thị trường lao động, gắn chặt việc phục hồi thị trường lao động với các yêu cầu về phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế chung của cả nước và từng địa phương, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động.

Các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động sẽ được thiết kế theo hướng bảo đảm vừa tôn trọng các nguyên tắc vận hành của thị trường, vừa có những tác động để thúc đẩy khắc phục nhanh những bất cập, nhất là những yếu tố làm mất cân đối cung - cầu lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu của địa phương để sẵn sàng về y tế cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.

Ngoài các giải pháp trên, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang tính đến phương án huy động lực lượng lao động từ các trường nghề, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, kết nối, phát triển nguồn lao động từ bộ đội, công an xuất ngũ…

Khi địa phương thiếu lực lượng lao động có thể huy động lực lượng sinh viên tham gia sản xuất với hình thức vừa học vừa làm, bảo đảm đúng các quy định về pháp luật việc làm.