Giải pháp nào cho vấn đề xử lý môi trường, rác thải?

ANTD.VN - Những ngày qua, nhiều con phố tại Hà Nôi đã rơi vào tình trạng bốc mùi, ô nhiễm do rác thải chất đống, khi người dân xã Nam Sơn chặn không cho xe vào đổ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. 16h ngày 14-1, những chiếc xe chở rác đã đi được vào khu Liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn. Người dân sau khi được chính quyền vận động, tuyên truyền đã không còn tụ tập cản trở không cho xe chở rác vào khu xử lý rác Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội.

Trước đó, theo báo Lao động, dọc các tuyến phố của Hà Nội như Nguyễn Ngọc Nại, Chính Kinh, Nguyễn Trãi... rác thải được tập kết thành từng đống nhưng không có xe chuyển đi. Tình trạng này cũng diễn ra tại quận Cầu Giấy, hay khu vực ngoại thành như phường Ngọc Lâm (Long Biên), rác thải chất đống, ngập ngụa, bốc mùi hôi thối, nước bẩn chảy ra lòng đường gây ô nhiễm.

Giải pháp nào cho vấn đề xử lý môi trường, rác thải? ảnh 1

Rác chất đống tại nhiều tuyến phố của Hà Nội

Nguyên nhân của tình trạng trên là do vào tối 10-1, nhóm 40 người dân xã Nam Sơn tập trung ngăn cản xe vào đổ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Người dân cho rằng thành phố Hà Nội và huyện Sóc Sơn đã chậm thực hiện các chính sách với người dân bị ảnh hưởng vì khu xử lý chất thải.

Ông Đồng Phước An - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – cũng nêu rõ việc này liên quan đến vấn đề tiến độ giải phóng mặt bằng, đền bù chậm cho những người dân sống xung quanh bãi rác Nam Sơn.

Clip: Người dân chặn rác thải vào Nam Sơn (Nguồn VTC14)

Nguy cơ ô nhiễm

Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn là nơi tiếp nhận và xử lý rác lớn nhất thủ đô với công suất khoảng 4.000 tấn rác/ngày, cao điểm lên tới 6.000 tấn/ngày. Ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội khẳng định, đơn vị đã tập kết rác gọn vào các điểm, che phủ bạt, nilon, rắc vôi bột để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. "Chúng tôi cũng chỉ có thể cầm cự trong 1-2 ngày tới, nếu không thành phố sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng", ông Lê Anh Tuấn lo ngại.

Giải pháp nào cho vấn đề xử lý môi trường, rác thải? ảnh 2

Hà Nội sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng nếu không xử lý được rác thải tồn đọng

Giải pháp trước mắt

Trước những kiến nghị của người dân, tối 13-1, thành phố Hà Nội đã gửi văn bản đến các đơn vị liên quan việc giải phóng mặt bằng theo chỉ giới quy hoạch bán kính 500 m quanh Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Theo đó, trước ngày 30-3, huyện Sóc Sơn sẽ khảo sát số lượng, lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân, đảm bảo tiến độ trong quý II-2019. Huyện Sóc Sơn cũng được yêu cầu chịu trách nhiệm giải thích để dân không cản trở việc vận chuyển rác vào khu xử lý chất thải.

Cũng theo VOV, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, khẳng định hiện nay huyện Sóc Sơn đang thực hiện những công việc thuộc thẩm quyền theo chỉ đạo của UBND thành phố để di dời, hỗ trợ người dân quanh khu vực bãi rác, có bán kính từ 0 đến 500 m tính từ tường rào bãi rác để hạn chế ảnh hưởng.

Công việc kiểm đến đất và tài sản trên đất đã được thực hiện xong theo chỉ giới cũ. Còn ngân sách để đền bù cũng đã sẵn sàng, vấn đề ở đây là sự chấp thuận của người dân về việc di dời và đền bù. 

Phương án bền vững

Theo Hà Nội mới, những năm gần đây, công tác thu gom, xử lý rác thải nông thôn đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định: Việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp vừa tốn diện tích đất, vừa khó kiểm soát vệ sinh môi trường. Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là nơi tiếp nhận rác lớn nhất của thành phố, theo tính toán cũng sẽ hết chỗ chôn lấp vào năm 2020. Việc này đặt ra cho Hà Nội yêu cầu phải sớm có phương án xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại.

Để giải bài toán thu gom và xử lý rác thải nông thôn, TP Hà Nội đang kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác, thu hồi nhiệt năng để phát điện, đạt tiêu chuẩn môi trường của châu Âu. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, định hướng đến năm 2020-2021, thành phố tập trung đầu tư 4 nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (1 nhà máy), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (2 nhà máy) và Khu xử lý chất thải rắn Đồng Ké - huyện Chương Mỹ (1 nhà máy).

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (công suất 4.000 tấn rác/ngày - đêm) đang thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch 1/500, chuẩn bị thủ tục khởi công dự án vào đầu năm 2019, phấn đấu hoàn thành xây dựng trong 18 tháng.

Giải pháp nào cho vấn đề xử lý môi trường, rác thải? ảnh 3

Nhà máy Xử lý chất thải rắn phát điện Nam Sơn (huyện Sóc Sơn)

Thực tế cho thấy, để các dự án nhà máy đốt rác phát điện sớm được đầu tư, đi vào hoạt động rất cần các bộ, ngành trung ương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành, hướng dẫn về giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt phát điện công suất lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến…

Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng của thành phố cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, chuẩn bị đầu tư các dự án, lựa chọn chủ đầu tư có tiềm lực, công nghệ xử lý rác thải hiện đại, triệt để. Đối với một đô thị văn minh mà Hà Nội đang hướng tới, việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác thải là giải pháp hiệu quả, bền vững.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo ANTĐ lúc 17h, ở ngã đường phía Nam Khu Liên hợp xử lý rác Nam Sơn, Sóc Sơn, cách cửa trung tâm xử lý rác khoảng gần 1km, người dân đã không còn tụ tập cản trở xe chở rác. Tuyến đường thông thoáng. Những chiếc xe chở rác của URENCO liên tục vào bãi.