Giải pháp Giảm ùn tắc giao thông: Tình thế đến bao giờ?

ANTĐ - Sau khi được mổ xẻ tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề ùn tắc giao thông tiếp tục là chủ đề nóng được nhiều cử tri Hà Nội gửi tới kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 7-12 tới.

Cử tri Hà Nội bức xúc vì ùn tắc diễn ra thường xuyên

Bức xúc về tình trạng ùn tắc giao thông, các ý kiến cử tri gửi tới HĐND TP Hà Nội đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị mang tính lâu dài, đồng bộ. Cử tri các quận nội thành đánh giá, các biện pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay như phân làn các phương tiện; bịt ngã tư… mới chỉ là giải pháp tình thế nên hiệu quả còn thấp. Nhiều ý kiến đề nghị TP sớm triển khai các giải pháp dài hạn như quy hoạch phát triển giao thông đồng bộ, khoa học; hạn chế cấp phép loại hình vận tải taxi; hạn chế ô tô cá nhân; di chuyển các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất lớn ra ngoại thành...

Việc triển khai các bến xe tĩnh, quản lý các điểm trông giữ phương tiện cũng được rất nhiều cử tri quan tâm. Cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình còn đề nghị không cho phép đỗ xe trên vỉa hè, tại các tuyến phố có mật độ phương tiện giao thông cao… Cử tri quận Tây Hồ yêu cầu TP giải quyết vấn đề ách tắc giao thông đoạn đường Thuỵ Khuê giáp với vườn hoa Lý Tự Trọng và Mai Xuân Thưởng. Cử tri quận Đống Đa có một loạt kiến nghị cải tạo, cống hóa xây dựng các mương thoát nước trên địa bàn, như tuyến mương Tây Sơn, mương phố Phương Mai, mương Cống Chẹm, đồng thời, đề nghị mở rộng các nút cổ chai từ ngõ 102 đường Trường Chinh đến phố Lương Định Của, xén vỉa hè và giải tỏa dãy ki-ốt thuộc Công ty Xe khách - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để mở rộng đường Khâm Thiên; sớm triển khai dự án cầu vượt dành cho người đi bộ tại ngã tư Trung Liệt - Thái Hà...

Tình trạng dự án treo cũng tiếp tục là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm. Một mặt cử tri đề nghị TP thường xuyên rà soát, nhắc nhở các chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ. Mặt khác, phải kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ nhiều năm. Cử tri đã chỉ ra nhiều dự án chậm tiến độ như dự án Công viên Công nghệ thông tin do Công ty Him Lam làm chủ đầu tư tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên đã GPMB từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Tương tự, dự án đường 5 kéo dài, quận Long Biên đã hoàn thành GPMB nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thi công. Quy hoạch nút giao thông tại Cầu Chui vẫn chưa được công bố và triển khai để nhân dân trong khu vực được biết. Đường Xuân Đỉnh - huyện Từ Liêm tiến độ thi công rất chậm. Tiến độ triển khai dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cự Khê, Thanh Hà - Mỹ Hưng trên địa bàn huyện Thanh Oai chậm triển khai bồi thường, GPMB...

Trong các kiến nghị về kinh tế, cử tri đề nghị HĐND TP yêu cầu UBND TP trả lời rõ nguyên nhân 11 chỉ tiêu kinh tế xã hội không hoàn thành. Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội, diện tích sàn xây dựng nhà ở, lượng nước sạch tăng thêm. Cử tri đề nghị cần phân tích rõ những nguyên nhân khiến những chỉ tiêu này không đạt kế hoạch đề ra cũng như phải tìm giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Về bình ổn giá, cử tri cho rằng việc triển khai thực hiện chủ yếu tập trung ở nội đô, nên nhân dân, nhất là khu vực nông thôn ngoại thành không tiếp cận được sự hỗ trợ này và thực tế một số điểm bán hàng bình ổn giá của thành phố niêm yết giá cao hơn thị trường. Cử tri kiến nghị thành phố cần có chính sách trợ giá trực tiếp cho người sản xuất ra hàng hóa và người lao động có thu nhập thấp, không nên trợ giá cho các siêu thị, vì những người nông dân, công nhân, lao động thu nhập thấp không có nhiều điều kiện để thường xuyên vào các siêu thị mua hàng, mặt khác hỗ trợ trực tiếp còn có tác dụng thúc đẩy sản xuất ở khu vực nông thôn.