Giải “độc” cho người tiêu dùng: “Bắt mạch” mối lo của dân

ANTĐ - Thước đo hiệu quả trong đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm ATVSTP không thể chỉ tính bằng số lượng các vụ bắt giữ, mà phải xem các vụ, việc ấy đã “đánh” trúng, đúng những mối lo thường trực của nhân dân hay chưa. Bánh phở chứa formadehyt; giò - chả có hàn the, là 2 trong số những vụ điển hình đã làm thay đổi nhận thức trong người dân.

Người dân mong mỏi lực lượng chức năng phanh phui nhiều hơn các vi phạm ATVSTP tại các khu chợ

Những nguy cơ hiện hữu

Một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm mất an toàn, có “đất” tồn tại bao năm nay chính là do sự tắc trách, thiếu sâu sát của các lực lượng chức năng trong khâu kiểm tra, giám sát. Việc những người nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, phân bón trong sản xuất rau, củ, quả; sử dụng thuốc tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi được giới truyền thông cảnh báo nhiều lần (mới đây nhất là vụ sử dụng hóa chất để sản xuất giá đỗ), nhưng động thái được cho là quyết liệt nhất từ phía cơ quan chức năng không gì hơn là... khuyến cáo. “Lực lượng chuyên trách đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm về ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn lâu nay không phát hiện, điều tra khám phá được vụ việc nào” - một cán bộ nhiều năm công tác trong “mảng” đấu tranh với các vi phạm về ATVSTP thẳng thắn thừa nhận.

Công đoạn sản xuất, nuôi trồng không sạch, khâu chế biến tiếp tục “đầu độc” nặng hơn người tiêu dùng. Hãy nhìn từ các vụ việc bắt xe ô tô vận chuyển nầm động vật. Sau mỗi chiến công, lực lượng công an, QLTT, thú ý lại đưa ra khuyến cáo về hóa chất độc hại dùng bảo quản sản phẩm, nhưng chất độc ấy là gì thì ngay cả cơ quan y tế cũng không thể “chỉ mặt, đọc tên”. Hầu hết “đặc sản” nầm dê, nầm lợn bán ở các quán ven đường đều là hàng nhập lậu, đã qua tẩm ướp hóa chất. Vào tay các ông - bà chủ quán, sản phẩm động vật tiếp tục được ướp thêm các phụ gia không rõ nguồn gốc. Thiếu những cảnh báo, khuyến cáo của cơ quan chức năng, thực phẩm không an toàn ồ ạt tấn công người sử dụng. 

“Lượng” không quan trọng bằng “chất”

Người dân Thủ đô từng có thời kì tẩy chay phở vì có formadehyt, giò - chả có hàn the, tương ớt có Rhodamine B. Việc lực lượng công an phanh phui những vụ “đầu độc” kinh hoàng bằng hóa chất công nghiệp gây ung thư thời điểm đó, đã giúp thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng, lựa chọn thực phẩm trong đại bộ phận người dân. Thượng tá Nguyễn Việt Tiến - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho hay: Vi phạm phổ biến nhất trong chế biến thực phẩm hiện nay là sử dụng chất hỗ trợ độc hại. Danh mục các chất hỗ trợ được Bộ Y tế cho phép dùng trong thực phẩm, giá thành đều khá đắt. Điển hình như chất tạo đỏ trong tương ớt, giá bán khoảng 1,8 triệu đồng/kg, nhưng nếu các cơ sở sản xuất sử dụng Rhodamine B - hóa chất công nghiệp dùng trong dệt nhuộm vải để thay thế, giá chỉ 150.000 đồng/kg - Thượng tá Nguyễn Việt Tiến dẫn chứng. Tương ớt - loại gia vị bình dân còn thế, các món ăn khác khó tránh khỏi bị tẩm ướp chất hỗ trợ cấm. 

“Thước đo hiệu quả trong đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm ATVSTP không nên  tính bằng số lượng các vụ bắt giữ, mà hãy xem các vụ, việc ấy đã “đánh” trúng, đúng những lo lắng thường trực của nhân dân chưa” - một cán bộ nêu quan điểm. Để tạo ra những “cú hích”, giúp thay đổi thói quen, nhận thức của nhân dân trong sử dụng thực phẩm, không cách nào khác, lực lượng chức năng phải bám chặt cơ sở. Chặn thực phẩm không an toàn vào các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị đang bị xem nhẹ - cán bộ này cho biết thêm. Chế tài xử lý hành vi “đầu độc” người tiêu dùng cũng là một trong những kẽ hở tiếp tay cho thực phẩm bẩn - Thượng tá Nguyễn Việt Tiến khẳng định. Dẫn chứng lại vụ sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân, 2 kẻ liên quan bị tử hình, chỉ huy phòng nghiệp vụ nói: Nghị định 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP (có hiệu lực ngày 25-12-2012), quy định mức xử phạt cao nhất đối với hành vi sử dụng hóa chất cấm sử dụng trong thực phẩm chỉ là 100 triệu đồng. 

Chưa đánh trúng, đúng “gốc” thực phẩm “bẩn”; những “kẽ hở” trong kiểm soát của cơ quan thú y; không có chế tài truy tố, xử lý những người cố tình “đầu độc” người tiêu dùng đang là những rào cản trong đấu tranh, xử lý đối với các vi phạm này. Tuy nhiên, bài học “dẹp” gà lậu trong 2 tháng qua tại Hà Nội cho thấy, khi các lực lượng cùng “xắn tay” vào cuộc, thực phẩm mất an toàn sẽ được hạn chế đáng kể.