Giải đáp hàng loạt vấn đề "nóng" liên quan đến chính sách nhà ở, bảo hiểm xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại buổi đối thoại với công nhân ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã giải đáp nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, nhà ở công nhân, giải pháp tránh xa tín dụng đen...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của công nhân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của công nhân

Rà soát vướng, hỗ trợ công nhân vượt khó

Sáng 12/6, tại Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.

Phát biểu tại đối thoại, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, trong 2 năm qua, do tình hình dịch Covid-19, không có nhiều điều kiện để tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp, nhưng các cấp, các ngành, các cơ quan đã có nhiều hình thức để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của công nhân lao động.

"Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo, đồng hành để tìm giải pháp khắc phục những hậu quả, tác động của dịch bệnh Covid-19 tới đời sống và công việc của công nhân, giải quyết vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của người lao động", Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ sự cảm thông đối với những mất mát, nhọc nhằn, khó khăn, vất vả mà công nhân lao động phải chịu đựng trong hơn 2 năm qua do dịch Covid-19.

Thủ tướng mong cuộc đối thoại diễn ra trong không khí cởi mở, gần gũi, thân tình, các công nhân chia sẻ suy nghĩ thoải mái, các bộ ngành trả lời thể hiện trách nhiệm của mình về những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở, lo lắng của công nhân.

Gửi câu hỏi từ điểm cầu Hà Nội, công nhân Lê Nguyễn Ngọc Thủy (KCN Thăng Long, Đông Anh) đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, đôn đốc chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà vì đến nay nhiều người lao động còn chưa được hưởng.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, thực hiện một cách rất khẩn trương, hỗ trợ hơn 55 triệu người với tổng số tiền hơn 80.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nơi, có lúc chưa thực hiện triệt để, kịp thời.

Hôm qua, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính đã xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này. Thủ tướng đề nghị hai Bộ phối hợp với các địa phương, các địa phương chủ động hơn thực hiện việc này tại địa phương mình. "Tiền đã có rồi, các địa phương căn cứ các quy định để triển khai sớm, tiếp tục hoàn thiện thủ tục, không để anh chị em công nhân lao động băn khoăn, lo lắng.", Thủ tướng Chính phủ thông tin.

Về nhà ở cho công nhân, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo, làm việc với Bộ Xây dựng nhiều lần về vấn đề này. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng làm rõ về những việc đã làm được, chưa làm được, những giải pháp thời gian tới, có bước đi phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động nói chung, trong đó có công nhân.

Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Chính sách bảo hiểm xã hội là nội dung lớn mà nhiều công nhân lao động quan tâm. Người lao động cho rằng, quy định về bảo hiểm xã hội hiện còn nhiều bất cập, thời gian đóng dài mới được hưởng lương hưu, nhiều doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng cho công nhân từ 40-45 tuổi. Công nhân lao động mong muốn Chính phủ có giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Được Thủ tướng chỉ định trả lời, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ này đang chủ trì xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội.

Trong các nhóm này sẽ sửa đổi quy định về điều kiện đóng bảo hiểm tối thiểu để được hưởng lương hưu. Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội quy định là 20 năm, dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm.

Ngoài ra, các nhóm chính sách về bảo hiểm sẽ được liên kết chặt chẽ với nhau, theo hướng có lợi cho người lao động; bổ sung nguyên tắc chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm dài với ngắn, đóng ít với nhiều; có cơ chế chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Liên quan đến chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ công nhân lao động, chị Trần Thị Toan, một cán bộ công đoàn ở Bình Phước đề nghị Chính phủ có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, để công nhân không phải đi vay nặng lãi.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tín dụng đen là vấn đề xã hội rất cần được quan tâm.

Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, rất nhiều biện pháp của các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an cũng như của các địa phương đã vào cuộc tích cực. Kết quả đã dẹp bỏ được nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động tín dụng đen dưới nhiều hình thức, đã giảm nhiều câu chuyện đau lòng tuy nhiên tín dụng đen hiện vẫn đang diễn ra tại một số địa phương.

Để công nhân không sa vào tín dụng đen, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cách tiếp cận vốn ngân hàng đúng đối tượng, quy mô phù hợp, hiệu quả. Bộ Công an phải nắm chắc, xử lý nhanh đối tượng vi phạm, ngăn chặn hậu quả xấu tác động đến nền kinh tế và người lao động...

Kết luận đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các ý kiến tại đối thoại hôm nay của công nhân lựa chọn ra rất đúng, rất trúng, rất cần phải giải quyết". Chính phủ tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, tập hợp các vấn đề để tập trung, rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách, nhanh chóng bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, đồng thời, chú ý đến tâm tư, nguyện vọng của người lao động, trong đó có công nhân lao động.

Sau chương trình đối thoại, Thủ tướng Chính phủ đã trao 25 suất quà cho các công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.