Giấc mơ 30 năm

ANTĐ - Lúc 2 chiến sỹ công an tìm đến nhà báo tin đã tìm thấy ảnh của Minh, mẹ Dương Thị Gái bỗng lặng người. Một cảm giác gai gai, hụt hẫng y hệt lúc người ta đưa cho mẹ tờ giấy báo tử của con trai gần 30 năm về trước. Rồi mẹ khóc, tay mẹ lẩy bẩy: “Cảm ơn các anh, các anh đã dẫn thằng Minh về đấy ư!”.

Bàn thờ đơn sơ của liệt sỹ Minh tại gia đình và bức ảnh 
được Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát và Công an Hà Nội trao tặng

Nỗi đau của mẹ

Một buổi trưa đầu tháng 3, trước cổng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát – Bộ Công an có một người đàn ông đứng tuổi tìm đến với đề nghị lạ lùng: Nhờ cán bộ của cục tìm giúp di ảnh người em trai là liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Tay cầm vỏn vẹn một lá đơn ghi tên tuổi, địa chỉ và đơn vị của người đã khuất, anh khẩn khoản đề nghị: “Em tôi hy sinh khi còn quá trẻ, ngày đó khó khăn nên gia đình cũng chẳng chụp lại được bức ảnh nào để thờ. Mẹ tôi bây giờ đã già yếu, không biết sống được bao lâu nữa. Ước nguyện của cụ đau đáu suốt gần 30 năm nay chỉ là được nhìn thấy mặt đứa con trai đã mất. Trăm sự nhờ các anh giúp đỡ”. Người đàn ông ấy là anh Nguyễn Hùng Tiến, nguyên cựu chiến binh Sư đoàn 344, Binh đoàn 12, hiện trú tại ngõ 10 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.

Đề nghị ấy ngay lập tức được cán bộ chiến sỹ Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát tiếp nhận. Tên người cần tìm là liệt sỹ Nguyễn Bình Minh, quân nhân Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 977, Sư đoàn 311, Quân đoàn 2, hy sinh tại mặt trận xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang vào ngày 22-4-1986. Cũng trong ngày hôm ấy, một văn bản hỏa tốc được gửi đi từ Cục. Điểm đến của nó là Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát – Công an thành phố Hà Nội với yêu cầu: Tìm trong tàng thư của Công an Hà Nội danh tính và ảnh của liệt sỹ Minh trong thời gian sớm nhất.

Đến tận bây giờ, anh Tiến vẫn không tin là việc tìm lại bức ảnh cho em trai mình lại nhanh đến thế. Suốt 30 năm nay trên bàn thờ liệt sỹ Minh chỉ có duy nhất một bát hương. Anh kể: “Thú thực, tôi cũng chỉ gửi đơn hú họa thôi, ai ngờ các chị ấy lại nhiệt tình và tìm nhanh đến thế. Từ ngày nhìn thấy được ảnh của thằng Minh, mẹ tôi như khỏe hẳn ra”. 

Mẹ Gái có 4 người con trai, trong đó anh Tiến là con cả, thì cả 4 đều lên đường nhập ngũ cầm súng bảo vệ đất nước khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới. Nhưng ngày trở về thì chỉ có 3 người. Liệt sỹ Minh đã vĩnh viễn nằm lại nơi tuyến đầu Tổ quốc. Mẹ bảo: “Người mẹ nào chẳng đau đớn khi mất con. Nhưng chiến tranh thì có kiêng ai? Đất nước gọi là anh em nó lần lượt lên đường. Mẹ chỉ thương thằng Minh, mất khi còn quá trẻ. Ngày ấy nhà nghèo, trước khi đi mẹ cũng chẳng có tiền để đưa nó đi chụp cái ảnh. Khi nghe tin từ đồng đội báo về, rằng Minh hy sinh khi bảo vệ chốt. Mẹ hộc tốc bắt xe khách lên tận sư đoàn bộ đóng ở Thái Nguyên để nhận xác con. Lên đến nơi mới biết thi thể Minh vẫn nằm trên chốt, đơn vị chưa đưa về được vì chiến sự quá ác liệt. Ấy vậy mà đã gần 30 năm. Bây giờ Minh vẫn nằm ở nghĩa trang mãi tận Cao Bằng”.

Mẹ Gái xúc động kể lại câu chuyện

Những người đãi cát tìm vàng

Thượng tá Vũ Thị Bích Hạnh – Phó trưởng Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Công an thành phố Hà Nội vẫn nhớ trường hợp tìm lại hồ sơ của liệt sỹ Minh. Chị bảo: “Thông thường công việc của phòng lúc nào cũng trong tình trạng “hỏa tốc” bởi mỗi ngày 1 cán bộ chiến sỹ của chúng tôi phải tra cứu ít nhất 120 yêu cầu các loại từ các đơn vị khác, lúc cao điểm có thể lên gần gấp đôi. Mà yêu cầu nào cũng đòi hỏi phải “luôn và ngay” để phục vụ công tác điều tra, xác minh… Đây là công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và không bao giờ được phép nhầm lẫn. Khi nhận yêu cầu từ Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát Bộ Công an đề nghị phối hợp tìm hồ sơ liệt sỹ Minh, chúng tôi đã phải cắt cử 4 chiến sỹ tìm liên tục trong hơn 20 ngày”. 

Nhớ lại những ngày đánh vật với kho tàng thư của hàng chục năm trước, Thượng tá Vũ Thị Bích Hạnh lắc đầu: “Theo thông tin từ gia đình thì bên quân đội không lưu giữ ảnh của liệt sỹ Minh. Vì thế gia đình hy vọng có thể công an sẽ giúp họ được việc này. Chúng tôi phải tìm trong hàng triệu tàng thư với một nghi vấn duy nhất từ gia đình: Không biết liệt sỹ Minh có kịp làm chứng minh thư trước ngày nhập ngũ hay không? Điều đó cũng có nghĩa là, rất có thể công sức tìm tòi của chúng tôi trở thành… công cốc”. 

Tuy thế chị Hạnh vẫn động viên chiến sỹ của mình cố gắng tìm bằng được. Từ sáng tới chiều, những “con ong chăm chỉ” của Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát chôn chân bên những chiếc tủ sắt, mở từng ngăn kéo, rồi lật từng mảnh giấy mỏng dính, ố vàng màu thời gian để dò từng cái tên. Đến ngày thứ 20 thì có 4 tàng thư được lọc ra. Mất thêm 5 ngày nữa để cán bộ đi xác minh và cuối cùng còn lại 1. Đó chính là tàng thư của liệt sỹ Minh. Và đây cũng là nơi duy nhất giữ được bức ảnh nguyên vẹn, rõ nét.

Sau nhiều ngày tìm trong núi hồ sơ, bức ảnh của liệt sỹ Minh đã được tìm thấy

Đúng ngày Kỷ niệm giải phóng miền Nam 30-4-2013, lãnh đạo Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát và cán bộ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát Công an Hà Nội đã mời mẹ Gái cùng toàn thể gia đình lên trang trọng trao lại bức ảnh liệt sỹ Minh. Nhận bức ảnh, mẹ Gái lại khóc: “Bao lâu nay, mẹ chỉ hiếm hoi gặp được anh qua những giấc chiêm bao. Cái ước muốn nhỏ nhoi có được một bức ảnh thờ, vậy mà mấy chục năm trời bây giờ mới thành hiện thực…”. Riêng những người lính của Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát chứng kiến buổi lễ hôm ấy, ai cũng thấy cay cay trong khóe mắt. Thượng tá Vũ Thị Bích Hạnh bảo: “Có chứng kiến cảnh mẹ con “đoàn tụ”, dù chỉ là đoàn tụ qua bức ảnh, chúng tôi cũng thấy nhẹ lòng. Những giọt nước mắt của mẹ Gái chính là sự động viên cho công sức chúng tôi”. Rồi chị nhắc lại câu nói của Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ - Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát hôm có mặt ở buổi lễ trao lại di ảnh liệt sỹ Minh: “Các liệt sỹ đã vì nước quên thân thì chúng tôi sẵn sàng vì nhân dân phục vụ!”.