Giá xăng lại sắp tăng

ANTĐ - Bộ Tài chính vừa có văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp xăng dầu cần tuân thủ cách tính, đảm bảo đủ chu kỳ bình quân 30 ngày khi quyết định điều chỉnh giá. Tuy nhiên, ngay sau khi văn bản này được đưa ra, một số doanh nghiệp xăng dầu đã lên phương án điều chỉnh tăng giá bán lẻ.

Giá xăng bán lẻ có thể được điều chỉnh lên 23.300 đồng/lít

Doanh nghiệp lại lỗ

Theo thông tin của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, hiện giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu đang cao hơn giá bán lẻ từ 700 - 1.400 đồng mỗi lít, do đó các doanh nghiệp đang lên kế hoạch điều chỉnh tăng giá bán. Việc các doanh nghiệp tính toán tăng giá xăng dầu đã được các chuyên gia dự báo khi giá xăng dầu trên thế giới tăng. 

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, Petrolimex đang theo dõi và có thể sẽ gửi báo cáo liên bộ Tài chính - Công Thương về việc điều chỉnh giá xăng dầu. 

Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) đã chính thức gửi văn bản đăng ký các mức giá mới. Theo  đó, giá xăng A92 của công ty này được dự kiến tăng 1.400 đồng/lít. Giá dầu diezel 0,5S dự kiến tăng 500 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 800 đồng/lít và dầu mazut tăng 600 đồng/kg.

Một số doanh nghiệp khác cũng cho biết, đã gửi văn bản tới Bộ Tài chính đề nghị được tăng giá xăng ở mức 1.400 đồng/lít. Như vậy sau khi điều chỉnh, giá xăng bán lẻ trong nước sẽ tăng từ 21.900 đồng/lít hiện nay lên 23.300 đồng/lít, tương ứng mức tăng 6,3%. Dầu diezel sẽ tăng từ mức 20.800 đồng/lít hiện nay lên 21.500 đồng/lít, tỷ lệ tăng là 3,3%. Dầu hoả có thể tăng từ 20.650/lít hiện hành lên 21.450 đồng/lít, tương ứng tăng 3,8% và dầu mazut sẽ có giá tăng từ 18.150 đồng/kg lên 19.550 đồng/kg với tỷ lệ 3,3%.

Đề xuất tăng giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được đưa ra trong bối cảnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm ngừng hoạt động. Được biết, việc dừng nhà máy đột ngột đã khiến các đầu mối nhập khẩu xăng dầu từ Dung Quất bị thiếu hụt gần 120.000 tấn xăng dầu để bán ra thị trường và thay thế nguồn cung bằng cách nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời, việc đề xuất tăng giá cũng được đưa ra đúng 10 ngày kể từ đợt tăng giá gần nhất (1-8). Trên thị trường thế giới, giá dầu cũng diễn biến theo chiều hướng đi lên. Giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore cũng liên tục tăng.

Không để tăng giá bừa bãi

Bộ Tài chính cho biết, trong 2 đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, một số phương án đề xuất của doanh nghiệp không dựa trên cơ sở tính giá bình quân 30 ngày mà tính cho thời gian ngắn hơn là 10 hoặc 20 ngày. Cơ quan quản lý sau đó có tính toán lại và đưa ra phương án thống nhất. 

Do đó, Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu, khi tính toán để điều chỉnh giá, cần tuân thủ cách tính, đảm bảo đủ chu kỳ bình quân 30 ngày theo quy định hiện hành. Bộ này cho rằng, việc nhắc nhở doanh nghiệp là cần thiết để đảm bảo tính tự chủ của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Cụ thể, qua kết quả thực hiện việc giao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc tính toán, điều chỉnh giá xăng dầu theo diễn biến của thị trường, Bộ Tài chính vừa yêu cầu các doanh nghiệp phải thống nhất cách tính theo quy định tại Nghị định 84 và Thông tư 234 về điều hành giá xăng dầu.

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, việc tính giá cơ sở đúng theo công thức, các định mức như thuế, phí, Quỹ Bình ổn giá, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức và các loại thuế… theo quy định hiện hành. 

Chu kỳ bình quân 30 ngày cũng cần được đảm bảo. Khi doanh nghiệp có kiến nghị điều chỉnh, cũng cần phải dựa trên mức giá bình quân của chu kỳ này. Giá xăng dầu thế giới được lấy làm căn cứ điều chỉnh là giá công bố tại Bản tin Platt’s và tính cho các mặt hàng tiêu thụ trong nước như xăng RON 92, dầu diezel 0,05S, dầu mazut…

Việc nhắc nhở này được đưa ra sau 2 lần điều chỉnh giá với quyền chủ động thuộc về doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ động tính toán giá cơ sở, đề xuất phương án điều chỉnh và chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính.

Căn cứ vào chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành doanh nghiệp có thể tự quyết định thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu. Đồng thời, theo Thông tư 234 và Nghị định 84, thời gian tăng giảm giữa hai lần tối thiểu là 10 ngày. Doanh nghiệp được quyền quyết định nhưng biên độ điều chỉnh không vượt quá 7%.