Giả người thân để lừa đảo bán hàng qua mạng

ANTĐ - Việc mua bán hàng qua mạng hiện nay đã trở thành một hoạt động quen thuộc của người thường xuyên sử dụng internet. Chỉ cần vài cú click chuột lướt qua một số trang web, diễn đàn, người mua đã có thể dễ dàng có được món đồ mình yêu thích một cách rất nhanh và tiện lợi. Bên cạnh việc có thể chủ động về thời điểm mua sắm người tiêu dùng còn có thể tiết kiệm được thời gian. Tuy nhiên, do việc mua bán qua mạng hầu hết đều là những giao dịch ảo nên không ít người mua, kẻ bán đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo hết sức tinh vi.
Giả người thân để lừa đảo bán hàng qua mạng ảnh 1

Đủ chiêu trò mánh lới

Trong quá trình mua bán qua mạng internet, việc trao đổi thông tin giữa người mua và người bán hết sức giản đơn, phần lớn được thực hiện thông qua việc chat, email hoặc comment nên những kẻ bán hàng không chân chính có thể lợi dụng kẽ hở này để thu lợi bất chính, hay nặng hơn là lừa đảo những người thật thà, nhẹ dạ. Kẻ gian có thể lừa đảo khách hàng bằng rất nhiều cách khác nhau với những thủ đoạn từ đơn giản đến vô cùng tinh vi. Hầu hết các đối tượng đều dựa vào sự cả tin và nhẹ dạ của khách hàng để thực hiện các kiểu mánh lới công phu khiến cho khách hàng không hề hay biết. Điển hình nhất đó là việc tráo đổi giữa sản phẩm quảng cáo và sản phẩm thật.

Việc mua bán hàng online thường theo quy trình là xem và chọn hàng qua hình ảnh, sau đó liên hệ để shipper (người vận chuyển hàng) mang đến tận nơi. Không ít đối tượng đã lấy cắp ảnh từ các trang web nước ngoài hoặc ảnh thật của các shop khác để đưa ra chào hàng. Sau đó, họ đem bán cho khách hàng loại 2, loại 3, thậm chí cả loại hàng may gia công nhái theo. Loại hàng này giống về kết cấu nhưng hoàn toàn thua xa về chất liệu, độ tinh xảo. Ngoài ra quy trình mua bán online cũng tạo điều kiện cho gian thương lợi dụng để bán hàng giả, hàng fake với giá cao.

Cách đây không lâu, trên một diễn đàn mua bán trực tuyến từng xôn xao với màn lừa đảo bán túi hàng hiệu Prada fake với giá gần 17 - 19 triệu đồng trong khi giá gốc của chiếc túi này khi mua ở Quảng Châu chỉ từ 1 -2 triệu đồng. Gần đây, một siêu lừa có nick name Ngọc Ella cũng bị đưa ra ánh sáng sau khi bán cho khách túi hàng hiệu Hermes rởm với giá hàng trăm triệu. Thủ đoạn của những đối tượng này là trưng ảnh sản phẩm xịn với giá hấp dẫn nhưng lại giao hàng giả. Trong một số lần mua bán đầu tiên, chúng có thể lấy lòng tin của các khách hàng “sộp” bằng cách bán hàng thật. Sau khi tạo dựng được niềm tin và nắm bắt được đúng thời cơ thì các gian thương này mới tung chiêu lừa đảo.

 Một hình thức lừa đảo khác mà người mua cũng dễ mắc phải đó là chủ hàng nhận tiền cọc rồi… tháo chạy. Nhiều kẻ lừa đảo chọn cách mạo danh các shop uy tín bằng cách lập một trang bán hàng (đơn giản nhất là một trang facebook) với hình thức và nội dung được bắt chước y nguyên như trang gốc. Thậm chí, giá sản phẩm trên các trang bán hàng rởm này còn rất rẻ để dụ dỗ, lôi kéo người mua. Thấy giá hời, không ít khách đã tưởng thật. Họ nhanh chóng chuyển tiền cọc mà vội bỏ qua khâu xác minh trang bán hàng trước khi mua. Phần còn lại của câu chuyện thì dù không cần đề cập quá nhiều thì ai cũng có thể đoán được. Sau khi lừa được một số khách đáng kể, chủ các trang bán hàng “ma” sẽ đóng trang và cầm tiền rồi “cao chạy xa bay”. 

Có không ít người bán hàng chân chính trên mang internet do chủ quan cũng đã trở thành nạn nhân của việc lừa đảo với chiêu lừa làm giả giấy chuyển tiền. Thông thường các shop bán hàng online đều yêu cầu khách chuyển tiền đặt cọc trước khi giao hàng. Đối với khách hàng ở xa có thể sẽ phải chuyển 100% tiền cọc. Do việc chuyển tiền giữa các ngân hàng khác nhau sẽ không thể đến ngay như trong cùng một hệ thống ngân hàng. Lợi dụng điều này, một số kẻ gian đã giả mạo giấy chuyển hàng để lừa shop chuyển tiền cho mình. Kẻ lừa đảo lấy lí do không có nhiều thời gian, cần hàng gấp rồi hối thúc người bán chuyển hàng ngay. Để qua mặt, chúng thường giả vờ tiến hành “chuyển tiền” vào cuối ngày thứ 6, khi các ngân hàng đã chuẩn bị ngừng làm việc. Sau đó chúng gửi cho nạn nhân giấy chuyển tiền đã được chỉnh sửa tinh vi bằng phần mềm photoshop. Khi nạn nhân phát hiện ra thì điện thoại người mua đã ở tình trạng không liên lạc được nữa.

Giả người thân để lừa đảo bán hàng qua mạng ảnh 2

Nhiều thủ đoạn lừa

Mới đây, một vụ lừa đảo bán hàng qua mạng gây xôn xao dư luận đã bị Công an TP Hà Nội làm rõ vào cuối tháng 3 vừa qua. Đối tượng bị bắt giữ là Nguyễn Đức Anh (SN 1992) và Nguyễn Thế Dũng (SN 1993), đều trú tại Hoa Lư, Ninh Bình. Trong quá trình hoạt động trên mạng xã hội Facebook, Đức Anh phát hiện Facebook có tên “Trịnh Thu Huyền” chuyên bán túi xách hàng hiệu qua mạng nên đã lập một Facebook giống hệt.

Đọc được nội dung trao đổi giữa chủ nhân thật của Facebook với khách hàng, Đức Anh dùng Facebook giả mạo này để lừa khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của mình. Ngoài phương thức lập Facebook giả mạo chủ shop bán hàng qua mạng, các đối tượng này còn lập Facebook mạo danh bạn, người thân của khách mua hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Khi thấy hai người bạn chơi thân với nhau bình luận về các món hàng trên Facebook chủ cửa hàng, Đức Anh sẽ lập một tài khoản Facebook giả mạo một trong hai vị khách. Sau đó, hắn sẽ chat với với người còn lại rằng đang ở cửa hàng, bạn muốn mua túi thì gửi tiền. Tưởng là bạn mình thật nên nạn nhân đã lập tức chuyển tiền.

Tinh vi hơn, như trong trường hợp của chị Vân (Hà Nội), khi phát hiện thấy trên Facebook bán hàng online có chiếc túi xách giá 40 triệu được chị Vân tag (đánh dầu) vào Facebook của chồng vào để xem, Đức Anh lập Facebook giống hệt chị Vân để lừa chồng chị. Trước khi nói chuyện với chồng chị, hắn rất tinh vi, tìm hiểu trước cách nói chuyện giữa hai vợ chồng nạn nhân. Đức Anh đã lừa chồng nạn nhân chuyển 10 triệu đồng vào tài khoản do Đức Anh cung cấp, nói là để đặt hàng. Theo điều tra của cơ quan công an, với các thủ đoạn nêu trên, từ tháng 9-2014 đến thời điểm bị bắt, Đức Anh cùng bạn đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 100 triệu đồng. 

Trước đó, nhiều cư dân mạng còn chưa quên chiêu lừa đảo của đối tượng có tên Đoàn Anh Đức, trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội đã bị bắt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Lợi dụng tâm lý thích xài “hàng hiệu”, “hàng độc”, giá cả lại rẻ hơn các shop thời trang, Đức đã sưu tầm trên mạng Internet một số hình ảnh như túi xách, giầy, dép, guốc, kính... của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, sau đó đưa hình ảnh này lên website thương mại điện tử như một “quầy hàng trực tuyến” để  rao bán các sản phẩm “ảo”. Bằng cách này, nhiều người có nhu cầu mua sắm đã gọi điện thoại cho Đức qua số điện thoại mà Đức quảng bá trên trang web. Sau khi thống nhất giá cả, người mua phải chuyển tiền vào tài khoản mà Đức yêu cầu. Khi biết tiền đã nằm trong tài khoản rồi, Đức sẽ cắt liên lạc hoặc bỏ số sim điện thoại đó nhằm chiếm đoạt tiền mà khách hàng gửi cho mình. Trong số 13 nữ nạn nhân của Đức mà cơ quan điều tra xác định được, số tiền mà đối tượng này lừa đảo đã lên đến trên 200 triệu đồng.

Cần tỉnh táo khi mua hàng qua mạng

Theo một cán bộ của phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm Công nghệ cao - Công an TP Hà Nội, để tránh được những chiêu trò lừa đảo qua mạng internet việc xác nhận lại các thông tin về sản phẩm là điều tối quan trọng mỗi khi mua hàng qua mạng. Nếu một trang web rao bán một sản phẩm nào đó giá rẻ hơn thị trường, người tiêu dùng không nên vội ham rẻ, mà nên vào các trang web của công ty nơi sản xuất mặt hàng đó để kiểm tra các thông số liên quan đến sản phẩm. Nếu sản phẩm chính hãng, lúc ấy mới xác nhận lại các thông tin như như tính năng, kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc, phụ kiện đi kèm… Ngoài ra có rất nhiều cách để kiểm tra về người bán hàng xem họ có phải người bán hàng nghiêm chỉnh hay không.

Để biết được điều đó, người mua cần hỏi những thành viên trên diễn đàn, hoặc đọc bình luận về ý kiến người khác đánh giá về sản phẩm đó. Tiếp theo đó là kiểm tra thông tin về người bán có thuộc trong danh sách những người không trung thực hay không. Để làm việc này bằng cách đơn giản là copy số điện thoại, số tài khoản, tên, hay địa chỉ của người bán để tra google hoặc một số diễn đàn. Để tránh nguy cơ bị lừa thì người tiêu dùng cũng không nên mua hàng, dịch vụ của những người hay vi phạm quy định trên các diễn đàn mua bán online như tạo nhiều chủ đề, dùng thủ thuật để khiến bài mình nổi lên “top” trên các diễn đàn. Vì thường là sản phẩm có vấn đề, hoặc không có người mua nên chủ sản phẩm phải liên tục đăng bài lên diễn đàn/nhóm. Trong trường hợp nếu thấy người bán cố tình gian lận hoặc giao hàng không đúng... thì người tiêu dùng có thể sử dụng chức năng “đối chất” hay còn gọi là hỏi trực tiếp trên diễn đàn để yêu cầu có sự điều tra và can thiệp của người quản trị diễn đàn.

Theo lưu ý của phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm Công nghệ cao, việc mua hàng qua mạng của người bán là một công ty, doanh nghiệp bao giờ cũng an toàn hơn mua của người bán là một cá nhân. Người tiêu dùng nên đặc biệt chú trọng tới phương thức thanh toán. Hiện tại nước ta có các phương thức thanh toán như nhận hàng và trả bằng tiền mặt, chuyển khoản qua ngân hàng rồi nhận sản phẩm, nhận sản phẩm và bị trừ ở thẻ tín dụng, thanh toán qua các cổng thanh toán trực tuyến trung gian như Paynet.vn, nganluong.vn, vnmart.vn… Thường cách giao dịch chuyển khoản qua ngân hàng rồi nhận hàng chứa nhiều rủi ro nhất. Không nên thanh toán 100% số tiền khi chưa biết rõ người bán là ai, người tiêu dùng cần tìm hiểu về người bán bằng cách kiểm tra số điện thoại cố định, địa chỉ, comment của khách hàng về người bán đó.