Giá lợn hơi rớt đáy không phải do thịt nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại diện Bộ NN&PTNT cũng như các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đều cho rằng, việc giá lợn hơi xuất chuồng giảm thê thảm trong thời gian qua không phải do thịt nhập khẩu.

Bác bỏ thông tin tồn đọng 8 triệu con lợn xuất chuồng

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi do Bộ NN&PTNT tổ chức, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, sau một vài tuần giảm, hiện giá thịt lợn hơi đã tăng trở lại và dự báo sẽ còn tăng.

"Tuy nhiên việc kiểm soát thông tin chính xác là rất quan trọng vì thời gian qua thông tin dư thừa 8 triệu con lợn là không đúng, tạo tâm lý hoang mang cho người dân" - ông Tuấn khẳng định.

Tương tự, Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cũng cho hay, do giá bán thấp, lượng tiêu thụ giảm người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30%, tương đương khoảng 1,5 triệu con và thông tin hiện đang tồn đọng khoảng 8 triệu con lợn ở trong chuồng là không chính xác.

Đại diện Cục Chăn nuôi và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đều cho rằng, giá lợn hơi xuất chuồng rớt đáy trong thời gian qua là do đứt gãy chuỗi cung- cầu. Đặc biệt khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải giãn cách xã hội kéo dài và Thủ đô Hà Nội cũng giãn cách 2 tháng.

Thịt lợn giảm giá mạnh trong thời gian qua theo nhận định phần lớn là do đứt gãy chuỗi cung-cầu

Thịt lợn giảm giá mạnh trong thời gian qua theo nhận định phần lớn là do đứt gãy chuỗi cung-cầu

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, sau khoảng vài tuần giá lợn hơi giảm sâu, hiện giá lợn hơi đã tiệm cận mức 50.000 đồng/kg và dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Trong khi đó, số liệu của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021 lượng nhập khẩu thịt đạt hơn 214.400 tấn, trong đó thịt lợn là 112.700 tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước.

"Do tỷ trọng thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (3,6%) so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước nên có thể khẳng định nhập khẩu không phải là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua" – Cục Thú y khẳng định.

Còn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, giá lợn hơi giảm trong thời gian qua chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ giảm vì tác động của dịch Covid-19.

"Do dịch Covid-19 tác động ở 19 tỉnh thành phía Nam nên nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm tới 35%, phía Bắc giảm 40-50%. Chu kỳ nuôi lợn trong hoàn cảnh Covid-19 thì khó ai có thể dự báo được", ông Tiến khẳng định.

Xem xét điều tra áp dụng phòng vệ thương mại với thịt nhập khẩu

Cục Chăn nuôi cho rằng, từ biến động giá lợn hơi so sánh với các nước, có thể thấy rằng giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu là thức ăn chăn nuôi) tăng cao và cung vượt cầu là nguyên nhân khách quan, khiến giá cả lợn hơi đều giảm mạnh tại các thị trường kể từ đầu năm, ảnh hưởng chung tới sản xuất chăn nuôi trên phạm vi thế giới. Người chăn nuôi tại các nước có ngành sản xuất chăn nuôi lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc... cũng đang phải đối mặt với khó khăn này.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Việt Nam nêu ý kiến, cần có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết nguyên đán:

“Chúng ta phải tính đến một chiến lược về phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không thể để phụ thuộc 80-90 % như hiện nay được; thứ hai phải có chính sách về khuyến khích hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi”- ông Sơn bày tỏ.

Trước mắt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để kích thích giá lợn hơi tăng, đảm bảo nông dân có lãi, Bộ Công Thương cần xem xét mở chợ truyền thống, chợ dân sinh; xây dựng kế hoạch và triển khai bình ổn giá với sản phẩm chăn nuôi; xem xét điều tra áp dụng phòng vệ thương mại với thịt nhập khẩu, tăng cường kiểm tra giám sát thị trường với nước có cơ chế hợp tác song phương.

Để hỗ trợ người chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, Bộ này đã đề xuất Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid 19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế bảo vệ môi trường; có chính sách đất đai cho chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, đầu tư hạ tầng cho giết mổ, chế biến.