Thị trường thức ăn chăn nuôi: Doanh nghiệp ngoại “hốt” bạc tỷ, doanh nghiệp nội lép vế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) liên tục tăng mạnh khiến người chăn nuôi gặp khó. Đáng nói, thị trường TACN màu mỡ, giàu tiềm năng ở Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp nội gần như không có… “cửa”.

Doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị phần

Hiện tại, nông hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ và vừa đang rơi vào cảnh lỗ vốn khi giá lợn hơi xuống thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi (TACN) liên tục tăng mạnh. Còn với chăn nuôi gia cầm, nhiều lần Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã đưa ra cảnh báo, tình trạng thiếu hụt gia cầm vào dịp Tết Nguyên đán 2022 do giá gia cầm xuống đáy, lượng tiêu thụ chậm, trong khi chi phí chăn nuôi lại cao khiến người nuôi chán nản, bỏ chuồng.

Cục Chăn nuôi cho biết, từ đầu năm đến nay ngành thức ăn chăn nuôi đã có 8 đợt tăng giá, trung bình mỗi lần tăng từ 3-5% (tăng khoảng 30-35%).

Trong khi đó, thị trường TACN được xem là miếng bánh béo bở, đang hút các nhà đầu tư ngoại đến từ Thái Lan, Hà Lan và Trung Quốc chiếm lĩnh, đổ xô vào đầu tư, mở rộng thị phần.

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam liên tục tăng trưởng, trung bình từ 4 - 6%/năm (giai đoạn 2008 - 2018; năm 2020 cũng tăng 5,5%). Điều này đã tạo động lực thúc đẩy ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục phát triển, trở thành miếng bánh béo bở, mảnh đất màu mỡ của nhiều nhà đầu tư ngoại.

Thị trường thức ăn chăn nuôi được dự báo còn nhiều dư địa nhưng gần như để doanh nghiệp ngoại chia nhau

Thị trường thức ăn chăn nuôi được dự báo còn nhiều dư địa nhưng gần như để doanh nghiệp ngoại chia nhau

Theo công bố của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) trong năm 2020, ở Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất TACN, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tỷ lệ 32%), 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%).

Mặc dù, có số lượng nhà máy chiếm áp đảo, trong đó có một số doanh nghiệp quy mô lớn như: Dabaco, Masan, GreenFeed, Vina, Lái Thiêu... nhưng các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 35% thị phần cung cấp TACN, 65% thị phần còn lại do các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ.

Đáng lo ngại hơn, thị phần của các doanh nghiệp nội địa đang có nguy cơ ngày một tụt giảm (ước tính giảm 2 - 3%/năm) trước sự mở rộng về cả quy mô, sản lượng cũng như số lượng doanh nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài.

"Ông lớn hốt" bạc tỷ từ TACN ở Việt Nam

Một trong những "ông lớn", "gã khổng lồ" ngoại đầu tiên tấn công vào thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam là Tập đoàn C.P (Thái Lan).

Khi mới vào thị trường Việt Nam, C.P chỉ tập trung mảng sản xuất TACN, tuy vậy, nhiều năm qua, C.P đã mở rộng ra nhiều mảng như chăn nuôi lợn, gà đẻ trứng, xuất khẩu tôm, cá tra…

Năm 1993, công ty này xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay C.P đã trở thành doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất, dẫn đầu thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam với 9 nhà máy trên toàn quốc.

Năm 2019, Công ty C.P Việt Nam đạt doanh thu 64.673 tỷ đồng, 6.333 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2020, C.P Việt Nam ghi nhận doanh thu 3,4 tỷ USD, tức khoảng hơn 78.453 tỷ đồng.

Tiếp đó là Tập đoàn Cargill - một trong những tập đoàn nông nghiệp hàng đầu của Mỹ. "Tấn công" thị trường Việt Nam vào năm 1995, đến nay, Công ty TNHH Cargill Việt Nam đã có 11 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Các doanh nghiệp khác như CJ Vina Agri (Hàn Quốc), Mavin (Úc), New Hope (Trung Quốc), Emivest Feedmill (Malaysia), Japfa Comfeed (Nhật)... cũng liên tục mở rộng nhà máy TACN tại Việt Nam, trở thành những đối thủ cạnh tranh lớn, ngày càng lấn át các doanh nghiệp nội địa.

Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ NN&PTNT, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô khoảng 29 - 30 triệu con, trong đó đàn heo nái khoảng 2,5 - 2,8 triệu con, đàn heo nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%. Như vậy, đây có thể xem là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp TACN ngoại tiếp tục mở rộng quy mô, thu lời.

Vì sao các doanh nghiệp TACN của Việt Nam khó lớn mạnh trước các đối thủ ngoại? Một trong những nguyên nhân hàng đầu được cho là do nguyên liệu TACN của Việt Nam không đáp ứng được, phần lớn phải đi nhập.

Theo Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2021, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã tăng đột biến, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020 với kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 3,33 tỷ USD.

Trong đó, Argentina tiếp tục là thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất cho Việt Nam, đạt gần 1,14 tỷ USD (tăng 8,5% so với cùng kỳ 2020) và chiếm 34,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.