Giá dầu thế giới "gặp nguy"

ANTĐ - Giá dầu mỏ thế giới đang trải qua giai đoạn được cho là “đen tối” nhất khi rơi xuống mức thấp nhất trong 12  năm qua khiến giá mặt hàng nhiên liệu được ví là “vàng đen” này còn rẻ hơn cả nước khoáng ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới Ấn Độ.

Giá dầu thế giới "gặp nguy" ảnh 1Giá 1 lít dầu thô ở Ấn Độ còn rẻ hơn giá 1 lít nước khoáng

Ấn Độ đã làm cả thế giới chú ý khi Chính phủ nước này mới đây công bố giá dầu thô đã tụt xuống mức 29,24 USD/thùng. Trong khi đó, với một thùng dầu 159 lít thì tính ra giá mỗi lít dầu thô ở Ấn Độ vào khoảng  0,17 USD, rẻ hơn 20% so với giá một chai nước khoáng 1 lít đang bán ở nước này là 0,22 USD. 

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô cũng đã tụt xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua khi giá mặt hàng nhiên liệu thiết yếu này giảm xuống dưới mốc 31 USD/thùng trong  phiên giao dịch ngày 12-1 tại thị trường châu Á. Cụ thể, tính tới chiều  12-1 (theo giờ Hà Nội), giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 2-2016 giảm 87 cent xuống còn 30,54USD/thùng, giá thấp nhất tính từ tháng 12-2003; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng thời điểm cũng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4-2004 khi giảm 98 cent, còn 30,57 USD/thùng.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu được đánh giá là do tâm lý lo ngại về tình trạng dư cung vẫn không được cải thiện trong khi kinh tế Trung Quốc, quốc gia hàng đầu về tiêu thụ dầu mỏ, đang chững lại khiến cho hoạt động bán tháo tiếp tục diễn ra. Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc hai lần phải đóng cửa sớm khi cơ chế “tự ngắt” được kích hoạt chỉ trong 1 tuần qua đã làm gia tăng quan ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc cũng như nhu cầu nguyên liệu trong tương lai.

Bên cạnh đó, giá trị đồng USD tăng cũng khiến cho giá các loại dầu niêm yết bằng “đồng bạc xanh” này trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư sở hữu những đồng ngoại tệ khác, góp phần gây ra tình trạng giá dầu trượt dốc như hiện nay. Tập đoàn Morgan Stanley ngày 11-1 đã cho rằng, nếu đồng USD mạnh hơn 5%, giá dầu có thể giảm từ 10-15% và nếu đồng USD tiếp tục mạnh, khả năng giá dầu bị đẩy xuống mức 20-25 USD rất có thể sẽ xảy ra.

Ngoài ra, theo Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016 “không đồng đều và thất vọng” cũng là nhân tố đẩy giá dầu xuống thấp. Hiện các nhà đầu tư cũng đang theo dõi tình hình căng thẳng giữa hai thành viên chủ chốt của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) là Iran và Arập Xêút vì điều này có thể ảnh hưởng tới việc phối hợp giữ giá dầu thế giới.

Nhìn nhận về triển vọng giá dầu thô năm 2016 sau năm 2015 được cho là “đen tối” với giá dầu khi mất giá tới 30%, các chuyên gia cho rằng, giá dầu có thể còn tiếp tục giảm do nguồn cung dư thừa với dự báo sản lượng dầu của OPEC năm 2016 vào khoảng 31,8 triệu thùng/ngày sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất là hết nửa năm đầu 2016, trong khi kinh tế Trung Quốc vẫn bất ổn và giá đồng USD có thể còn lên cao. Giá dầu trước mắt cũng có thể dao động trong khoảng trên dưới 30 USD/thùng như hiện nay, song cũng có những dự đoán về “một kịch bản tồi tệ nhất” là giá dầu có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng nếu những nhân tố tác động tiêu cực tới giá dầu không có dấu hiệu cải thiện.