Giả danh y, bác sỹ lừa đảo gần 75 tỷ đồng có thể lĩnh án tù chung thân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ lập công ty, giả danh bác sỹ, y tá lừa đảo gần 75 tỷ đồng, nhiều người đặt câu hỏi, các đối tượng tham gia đường dây lừa đảo có tổ chức với quy mô lớn như vậy sẽ bị xử lý ra sao?

Công an Bắc Giang vừa bắt hàng loạt đối tượng giả danh y, bác sỹ tư vấn, quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng của thuốc chữa bệnh. Chỉ hơn một năm, nhóm đối tượng này đã bán trót lọt khoảng 80.000 đơn hàng thực phẩm chức năng cho hơn 20.000 bị hại trong cả nước, thu lợi bất chính gần 75 tỷ đồng.

Thủ đoạn của các đối tượng là tổ chức thành lập công ty lấy tên là “Công ty TNHH Bảo Long Dược”, có bộ phận hành chính và bộ phận kinh doanh được tổ chức quản lý chặt chẽ, hoạt động theo hình thức đa cấp, lợi dụng danh tiếng, tên tuổi của các y, bác sĩ giỏi, có tiếng từng công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế lớn để lừa đảo bằng hình thức quảng cáo, tư vấn không đúng sự thật về tình trạng bệnh tật của bệnh nhân để bán thuốc thực phẩm chức năng có giá trị thấp với giá cao gấp 10-15 lần để chiếm đoạt tài sản của bệnh nhân. Với giá nhập về chỉ 30-40 nghìn đồng/1 hộp nhưng các đối tượng này đã bán cho người bệnh với giá từ 1-3 triệu đồng/1 hộp tùy theo loại bệnh.

Hiện cơ quan CSĐT - Công an huyện Tân Yên đang tạm giữ 22 đối tượng để điều tra, xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một số mẫu thuốc bị thu giữ

Một số mẫu thuốc bị thu giữ

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Điều 174 BLHS 2015 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50-dưới 200 triệu đồng; Dùng thủ đoạn xảo quyệt…thì bị phạt tù từ 2-7 năm. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200-dưới 500 triệu đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh…thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp…thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, trong vụ việc trên, số tiền các đối tượng lừa đảo thu lợi bất chính rất lớn, gần 75 tỷ đồng nên có thể phải đối diện với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ về tình tiết “phạm tội có tổ chức” - hình thức đồng phạm có sự kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Đó là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển của người đứng đầu. Trong đó, mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào vai trò của từng người tham gia vào tội phạm và quy mô của vụ án. Khi quyết định hình phạt, mức hình phạt của người tổ chức sẽ khác với những đồng phạm khác nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.