Gây án khi mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi vẫn bị truy cứu tội “Giết người”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Bố tôi mắc bệnh tâm thần do sử dụng rượu trong suốt một thời gian dài. Cuối năm 2021, bố tôi bỏ nhà đi lang thang và phát bệnh nặng nên đã dùng chiếc cuốc bổ vào đầu một người, khiến người này bị thương tích 10% sức khỏe. Sau khi vụ án xảy ra, biết bố tôi bị bệnh tâm thân nên gia đình bị hại có đơn đề nghị cơ quan công an miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cơ quan công an vẫn khởi tố, điều tra vụ án và mới đây Viện Kiểm sát ra cáo trạng truy tố bố tôi về tội “Giết người”, theo quy định tại khoản 2, Điều 123 - Bộ luật Hình sự. Quá trình điều tra, Bản kết luận về bệnh tình của bố tôi xác định: Trước khi gây án, bố tôi bị hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi; Trong khi cầm cuốc bổ vào đầu người bị hại, bố tôi bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi; Sau khi gây án, bố tôi bị hạn chế về nhận thức và điều khiển hành vi. Trước khi xảy ra vụ án nhiều ngày, bố tôi không uống rượu. Xin hỏi luật sư, việc điều tra, ra cáo trạng truy tố một người bị mất hoàn toàn khả năng nhận thức cũng như điều khiển hành vi như bố tôi về tội “Giết người”, theo khoản 2, Điều 123 - Bộ luật Hình sự có hợp lý, hợp tình và đúng quy định pháp luật không, trong khi bị hại còn có đơn bãi nại? Trường hợp nếu bị kết vào tội danh như cáo trạng truy tố thì khả năng mức án phạt tù mà bố tôi phải chịu là như thế nào? Hoàng Thị Thành (Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời:

Về trường hợp của bạn, chúng tôi nhận thấy có hai nội dung cần quan tâm. Đó là hành vi của bố bạn sử dụng cuốc (công cụ làm nông nghiệp) bổ vào đầu người khác gây thương tích 10% có phạm tội giết người không và có được loại trừ trách nhiệm hình sự không khi người gây án mắc bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức cũng như điều khiển hành vi.

Về nội dung thứ nhất thì theo quy định tại Điều 123 - Bộ luật Hình sự 2015: “Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Các trường hợp là: Giết 2 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân... và có tính chất côn đồ. Trường hợp thực hiện hành vi giết người nhưng không thuộc các trường hợp vừa nêu (khoản 1, Điều 123) thì sẽ bị xem xét, xử lý theo khoản 2 của điều luật này với mức hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù.

Cơ quan tố tụng sẽ xem xét và quyết định hành vi phạm tội trong quá trình điều tra (Ảnh minh họa)

Cơ quan tố tụng sẽ xem xét và quyết định hành vi phạm tội trong quá trình điều tra

(Ảnh minh họa)

Như bạn trình bày, hành vi dùng cuốc bổ vào đầu người khác khiến người này bị tổn hại 10% sức khỏe của bố bạn không bị truy tố về tội “Giết người” theo một trong các tình tiết định khung được quy định tại khoản 1, Điều 123 - Bộ luật Hình sự nhưng vẫn bị đề cập xử lý theo khoản 2 của điều luật này. Theo chúng tôi, mặc dù bị hại không tử vong và chỉ bị tổn hại 10% nhưng do bố bạn dùng hung khí nguy hiểm tác động vào đầu người khác là vùng trọng yếu trên cơ thể con người. Hành vi này rất dễ dẫn đến việc người bị hung khí nguy hiểm tác động sẽ tử vong. Do vậy, các cơ quan tố tụng hình sự đã khởi tố và truy tố bố bạn về tội “Giết người”.

Để xử lý hành vi dùng hung khí nguy hiểm tác động vào đầu là vùng trọng yếu gây tổn hại sức khỏe cho người khác (trường hợp nạn nhân không chết) và để đánh giá hành vi đó là phạm tội “Cố ý gây thương tích” hay tội “Giết người” thì hiện nay TAND Tối cao đã ban hành một số án lệ liên quan. Đó là Án lệ số 47/2021 về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại.

Từ thực tiễn xét xử các vụ án như vậy, cơ quan tố tụng đã rất thận trọng cân nhắc, đánh giá khi xác định hành vi của người phạm tội. Chẳng hạn như xác định mục đích hành vi phạm tội. Nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội là tước đoạt tính mạng của người khác thì phạm tội giết người. Còn nếu ý thức chủ quan của người phạm tội không có ý định giết người thì sẽ thuộc trường hợp phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Tiếp đến là xác định mức độ tấn công, cường độ tấn công. Việc xác định mức độ tấn công, cường độ tấn công nhằm phân biệt hai tội danh này là rất quan trọng. Nếu người phạm tội có hành vi đánh người một cách liên tục và rất mạnh, chứng tỏ họ có ý định giết người.

Tương tự, cơ quan tố tụng cũng sẽ xem xét, đánh giá về vị trí người dùng hung khí nguy hiểm tác động vào cơ thể bị hại. Bởi lẽ để phân biệt hai loại tội phạm này thì cần căn cứ vào vị trí bị tấn công trên cơ thể. Trong đó, các vị trí như: vùng đầu, cổ, ngực, bụng… được xem là những vị trí trọng yếu trên cơ thể. Ngoài ra, khi xác định các vị trí trọng yếu của cơ thể con người cần kết hợp với việc xác định các yếu tố khác như cường độ tấn công, mức độ tấn công, hung khí sử dụng… dẫn đến hậu quả xảy ra. Và sau cùng, cơ quan tố tụng sẽ xác định yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi.

Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. Điểm khác nhau cơ bản là trong trường hợp phạm tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác” là người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả gây thương tích xảy ra. Còn trường hợp phạm tội giết người là người phạm tội mong muốn cho hậu quả xảy ra và nếu hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của người phạm tội.

Luật sư Đặng Văn Sơn - VPLS Đặng Sơn và Cộng sự (Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn - VPLS Đặng Sơn và Cộng sự (Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Như phân tích ở trên hành vi của bố bạn đã đủ căn cứ xác định phạm tội. Còn việc bố bạn có phạm tội “Giết người” như cơ quan công an khởi tố và Viện Kiểm sát truy tố hay phạm tội “Cố ý gây thương tích” thì khi xét xử tòa án sẽ xem xét quyết định.

Về nội dung thứ hai là bố bạn có thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hay không. Theo quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự tại Điều 21 - Bộ luật Hình sự 2015 thì: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Theo đó, nếu bố bạn bị mắc bệnh tâm thần và tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Mặt khác do bố bạn có dùng rượu trong thời gian dài nên cũng cần đánh giá xem xét tại thời điểm thực hiện hành vi có sử dụng rượu không và mức độ mắc bệnh tâm thần của bố bạn trước đó như thế nào. Bởi Điều 13 - Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về trường hợp phạm tội do dùng rượu, bia dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, điều luật này quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Ngay sau khi vụ án xảy ra, người bị hại đã có đơn bãi nại và đề nghị cơ quan công an miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bố bạn nên nếu quá trình xét xử mà tòa án xét thấy không đủ căn cứ xác định bố bạn phạm tội “Giết người” mà chỉ cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” thì bố bạn sẽ được miễn trách nhiệm hình sự, do thuộc trường hợp bị hại không có yêu cầu xử lý đối với người phạm tội.