Gấp rút cứu hồ Hà Nội

(ANTĐ) - Hà Nội hiện còn 116 hồ trong nội thành. Chúng được xem là những viên ngọc quý của Thủ đô, vừa tạo cảnh quan, vừa có chức năng điều hòa không khí, môi trường. Thế nhưng, hơn một nửa trong số đó vẫn chưa được bảo vệ, bị khai thác, sử dụng vô tội vạ, thậm chí bị bồi lắng, lấn chiếm có khả năng biến mất.

Gấp rút cứu hồ Hà Nội

(ANTĐ) - Hà Nội hiện còn 116 hồ trong nội thành. Chúng được xem là những viên ngọc quý của Thủ đô, vừa tạo cảnh quan, vừa có chức năng điều hòa không khí, môi trường. Thế nhưng, hơn một nửa trong số đó vẫn chưa được bảo vệ, bị khai thác, sử dụng vô tội vạ, thậm chí bị bồi lắng, lấn chiếm có khả năng biến mất.

Nếu không được kè bảo vệ, một số hồ trong nội thành có nguy cơ biến mất

Nếu không được kè bảo vệ, một số hồ trong nội thành có nguy cơ biến mất

Lấn chiếm, bồi lắng

Khảo sát mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố hiện còn giữ được 116 hồ trong khu vực nội thành. 10 quận nội thành Hà Nội đều có hồ với số lượng ít nhất là quận Hoàn Kiếm (1 hồ), nhiều nhất là Hoàng Mai (25 hồ). Trong số 116 hồ này, Công ty Thoát nước quản lý mực nước tại 39 hồ. 77 hồ còn lại do các quận, phường và các đơn vị khác quản lý với những mục đích khác nhau như thoát nước, vui chơi, giải trí hay đơn giản là... thả rau, nuôi cá.

Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Xuân Anh cho biết, qua nhiều năm, thành phố đã đầu tư làm kè và đường dạo xung quanh cho 42 hồ như Trúc Bạch, Thủ Lệ, Ngọc Khánh, Văn Chương, Thanh Nhàn... Hiện nay, trong khuôn khổ dự án thoát nước giai đoạn II, thành phố dự kiến sẽ tiếp tục cải tạo 12 hồ khác là Hố Mẻ, Hào Nam, Đống Đa, Bảy Mẫu... Như vậy, số hồ còn lại, chưa được xây dựng kè bảo vệ và đường dạo xung quanh vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn với 62 hồ.

Theo ông Đỗ Xuân Anh, ngoài việc bị sử dụng vào những mục đích trên, khá nhiều hồ hiện nay đã bị bồi lắng, thậm chí lấn chiếm nghiêm trọng dẫn tới dung tích điều hòa của các hồ bị giảm nhiều. Nước hồ bị ô nhiễm nặng, có màu đen và bốc mùi khó chịu, cảnh quan hồ thì nhếch nhác, gây bức xúc cho các hộ dân sống xung quanh hồ. Thế nên, đáng lý phải là lá phổi xanh, nơi thư giãn cho cư dân đô thị, các hồ này lại trở thành khu vực ao tù, nước đọng, bị ô nhiễm trầm trọng, thậm chí là ổ vi khuẩn, gây ra các loại bệnh tật đáng sợ như tiêu chảy, sốt xuất huyết...

Cấp bách cứu hồ

Giữ cho được những khoảng xanh giữa nội thành được xác định là nhiệm vụ quan trọng của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, nếu chỉ chờ vốn đầu tư từ ngân sách, không biết tới bao giờ 62 hồ còn lại mới được kè. “Lối ra” duy nhất là kêu gọi nguồn lực xã hội hoá từ các doanh nghiệp và đóng góp của người dân để đầu tư cải tạo, bảo vệ các hồ trong nội thành.

Mới đây, Bí thư Thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã giao cho các sở, ngành của thành phố kêu gọi xã hội hóa việc cải tạo, xây kè để bảo vệ các hồ ở Thủ đô. Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo các sở, ngành phải đặc biệt ưu tiên, có cơ chế đặc thù đối với các dự án cải tạo hồ vì “đây là cơ hội nghìn năm có một, cần phải làm khẩn trương theo thứ tự lựa chọn dễ làm trước, khó làm sau, tập trung cải tạo hồ có nguy cơ lấn chiếm và đang bị ô nhiễm…”.

Theo Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, để kêu gọi được vốn đầu tư xã hội hóa cho bảo vệ hồ cũng như tăng tốc cho các dự án cải tạo hồ hiện đang thực hiện, cần có cơ chế đặc thù. Bởi, nhiều dự án tuy chỉ là kè hồ nhưng cũng phải tổ chức GPMB với số lượng hộ dân liên quan khá lớn, có khi lên tới vài trăm hộ. Đơn cử, dự án cải tạo hồ Linh Đàm phải tái định cư cho 151 hộ dân; dự án hồ Định Công phải tái định cư cho tới 550 hộ dân! Thế nên, để thu hút được nhà đầu tư, các dự án cần được ứng vốn ngân sách GPMB trước để các nhà đầu tư vào đã có đất sạch kịp triển khai thi công ngay.

Ngoài ra, thủ tục hồ sơ phải ưu tiên giải quyết nhanh nhất để các doanh nghiệp có thể triển khai dự án bảo vệ hồ ngay khi có quyết định đầu tư. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ông Vũ Văn Hậu cho rằng, đầu tư cải tạo, bảo vệ hồ trong nội thành là chuyện phải làm và cần làm nhanh. Thế nhưng, với những hồ đã hoàn thành, còn phải chú trọng công tác quản lý sau đầu tư, tránh để tình trạng quản lý kiểu năm cha ba mẹ để rồi hồ lại bị ô nhiễm, không phát huy được hiệu quả sau khi thành phố hay doanh nghiệp đã đổ tiền vào cải tạo.

Với 12 dự án kè hồ đang làm trong năm 2010, ông Vũ Văn Hậu đề nghị nêu rõ tiến độ và giao cụ thể cho từng ngành mới có thể hoàn thành đúng hẹn. “Đây là vấn đề cấp bách, nếu có công trình hoàn thành đúng kỷ niệm 1.000 năm thì càng có ý nghĩa” - ông Vũ Văn Hậu nói.

Thành Nam