Gặp lại người lái tàu dũng cảm

(ANTĐ) - Anh là Trương Xuân Thức, đang công tác tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Cái tên và hành động dũng cảm của người lái tàu này đã và sẽ mãi mãi là biểu tượng của đức hy sinh, không tiếc bản thân vì sự an toàn của nhân dân.

Gặp lại người lái tàu dũng cảm

(ANTĐ) - Anh là Trương Xuân Thức, đang công tác tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Cái tên và hành động dũng cảm của người lái tàu này đã và sẽ mãi mãi là biểu tượng của đức hy sinh, không tiếc bản thân vì sự an toàn của nhân dân.

Duy Tiên, 1 giờ 30 phút ngày 6-8-2010

Anh Thức cùng vợ và con gái trân trọng Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước trao tặng
Anh Thức cùng vợ và con gái trân trọng Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước trao tặng

Với anh Thức, địa danh và thời điểm trên sẽ mãi là dấu ấn khó quên trong chặng đường trên 20 năm gắn bó với những chuyến tàu dọc theo chiều dài đất nước. Tìm đến nhà anh Thức một ngày cuối năm khi đợt gió mùa đông bắc tràn về làm không khí thêm lạnh, trong căn hộ chung cư cũ ở khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, chúng tôi như sống lại thời khắc kinh hoàng ấy...

…Khi đó, lái tàu Trương Xuân Thức và phụ lái Đào Quang Hưng điều khiển  đầu máy  kéo đoàn tàu Thống Nhất 6 gồm 13 toa khách. Trên đoạn đường chạy qua xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, anh Thức phát hiện 1 chiếc ô tô tải bất ngờ băng qua đường sắt, nơi đường bộ dân sinh giao cắt không có gác chắn.

Trước tình huống nguy hiểm này, anh Thức kéo cần hãm độc và giữ chặt cần cho đến khi đầu tàu va chạm với xe tải. Hậu quả của sự cố trên, chiếc ô tô bị đầu máy đẩy khoảng 30m và hỏng nặng. Còn đoàn tàu, phần đầu máy bị đổ nghiêng 90 độ, ca bin bị bẹp, 3 toa liền kề sau đầu máy bị lật. Anh Thức đã dũng cảm kiên quyết bám máy, giữ tay hãm cứu tàu trước khi bất tỉnh, tay chân anh bị kẹt chặt bởi các thiết bị bên trong buồng lái. Hành động dũng cảm của anh Thức đã giúp toàn bộ nhân viên trên tàu và 300 hành khách bình an. Nhưng sau sự cố, toàn thân anh bị thương, tay trái dập nát dẫn đến hoại tử, các bác sỹ đã quyết định cắt bỏ tay trái dưới khuỷu tay 12cm, cơ đùi phải của anh cũng bị dập nát cùng gót chân phải bị vỡ...

Nhớ da diết tiếng còi tàu

Sau gần một tháng liên tục được điều trị tại các bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Giao thông Vận tải, trải qua không biết bao nhiêu cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, người lái tàu dũng cảm ra viện và tiếp tục về nhà điều trị. Đã gần 5 tháng, vết thương của anh đã lành nhưng hậu quả để lại vẫn rất nặng nề, khiến anh phải hàng ngày chống chọi với những cơn đau. Anh Thức kể, những ngày trời rét, chỗ mỏm tay cụt đau nhức buốt khiến anh  vật vã. Những cơn đau về đêm khiến anh không thể chợp mắt được. Anh thấy trí nhớ giảm nhiều và thường bị tức  ngực. Phần cơ đùi cũng bị đau. Còn răng hàm do bị lung lay nên việc dùng cơm cũng rất khó khăn. Ngồi bên và nghe chồng bộc bạch về tình trạng sức khỏe, chị Lê Kim Thoa - vợ anh Thức không kìm được những giọt nước mắt lăn dài: “Những lúc như thế, tôi chỉ biết động viên anh cố gắng chịu đựng, uống thuốc  rồi xoa bóp chỗ đau cho anh ấy phần nào dễ chịu hơn".

Sau khi nghe câu hỏi của chúng tôi về việc có cách xử lý sự cố nào khác để vừa cứu được đoàn tàu cùng hành khách, đồng thời hạn chế thương vong cho người lái tàu, anh Thức khẳng định: Với kinh nghiệm trên 20 năm lái tàu, trong trường hợp gặp chướng ngại vật như vậy, anh có thể hãm phanh rồi nhảy ra ngoài, hoặc gạt cần hãm độc, lùi lại khoảng 50 đến 70cm thì sẽ không bị thương hoặc nếu có chỉ bị nhẹ.

Nhưng khi đó, tốc độ đoàn tàu sẽ giảm rất chậm và tai nạn sẽ vô cùng thảm khốc, gây nhiều thương vong cho hành khách. Chính vì vậy, khi tình huống bất ngờ như vậy, anh Thức quyết định, phải hãm tốc độ đoàn tàu thật nhanh. “Hành động đó là trách nhiệm, cũng là nghĩa vụ của người lái tàu. Tôi nghĩ trong hoàn cảnh ấy, những đồng nghiệp của tôi cũng sẽ làm như vậy thôi”, anh Thức chia sẻ.

Ngay sau vụ tai nạn, nhiều bạn đọc Báo An ninh Thủ đô đã bày tỏ sự cảm phục trước hành động dũng cảm của anh Thức và đến tòa soạn báo chia sẻ, giúp đỡ để giúp gia đình lái tàu Trương Xuân Thức vượt qua khó khăn. Sau đó, đại diện báo đã đến thăm hỏi và chuyển qùa của bạn đọc tới anh Thức. Ghi nhận thành tích của người lái tàu dũng cảm, ngày 16-11-2010, anh Thức đã vinh dự được nhận Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước trao tặng.

Nhớ da diết tiếng còi tàu, anh Thức tâm sự, và điều mà đến hôm nay, khi nghĩ lại anh Thức luôn trăn trở là sự thiếu ý thức của người dân khi tham giao thông ngang qua các tuyến đường sắt. Anh Thức mong muốn Nhà nước quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa đến hành lang an toàn giao thông đường sắt, hạn chế đường ngang và đường dân sinh qua đường sắt tràn lan như hiện nay, trang bị và cho lắp đặt đầy đủ hệ thống rào chắn và biển báo, đèn tín hiệu tại những nơi giao nhau giữa đường bộ và đường sắt để tạo điều kiện cho người dân qua lại đường sắt an toàn.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông đường bộ - đường sắt của người dân. “Mỗi người dân hãy nán lại một phút quan sát thấy an toàn rồi mới băng qua đường sắt, đừng vì vội vàng, bất cẩn khi qua đường tàu mà chuốc họa cho bản thân và gia đình mình”, anh Thức trăn trở.

Chia tay với người lái tàu Trương Xuân Thức, chúng tôi biết được một tin vui: Khi sức khỏe anh Thức bình phục, lãnh đạo Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiếp tục bố trí một công việc phù hợp cho anh. Một mùa xuân đã đến trên cung đường trải dài theo hình chữ S của đất nước. Những đoàn tàu Bắc - Nam sẽ thiếu vắng lái tàu Trương Xuân Thức, nhưng chắc chắn sẽ có những đồng nghiệp khác của anh sẵn sàng dũng cảm xả thân để bảo vệ mọi người.

Tiến Phúc