Gạo thế giới tồn kho, gây khó cho xuất khẩu

ANTD.VN - Dự báo, xuất khẩu gạo năm 2017 tiếp tục gặp khó khăn. Lượng xuất khẩu cả năm dự kiến cũng chỉ ở mức 5 triệu tấn, xấp xỉ năm 2016.

Năm 2016, xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ đạt gần 4,9 triệu tấn với giá trị 2,1 tỷ USD, giảm mạnh 25,5% về số lượng và 20,5% về giá trị so với năm 2015. Đặc biệt, trong năm 2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã 2 lần phải điều chỉnh hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo vì khó khăn. Các năm trước, xuất khẩu gạo Việt Nam luôn ở mức 6-7 triệu tấn.

Gạo thế giới tồn kho, gây khó cho xuất khẩu ảnh 1Xuất khẩu gạo cả năm 2017 dự kiến chỉ ở mức 5 triệu tấn

Gạo thế giới tồn kho lớn

Thị trường xuất khẩu gạo đầu năm 2017 đón một tin vui khi Việt Nam chính thức được xuất khẩu gạo chính ngạch sang Trung Quốc với 22 doanh nghiệp được cấp phép. Trong tháng 1-2017, đã có khoảng 20.000 tấn gạo được xuất khẩu qua thị trường này. Đây là tín hiệu tích cực với thị trường lúa gạo trong nước sau một thời gian trầm lắng. Dự báo giá gạo xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ được cải thiện so với năm 2016 khi thị trường này nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nghiêm ngặt các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy vậy, Bộ NN&PTTN thông tin, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1-2017 ước đạt 325.000 tấn với giá trị 136 triệu USD, giảm 32% về khối lượng và giảm 35,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Theo VFA, trước tình hình nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước vẫn chưa rõ nét trong khi sản lượng và tồn kho gạo thế giới tăng ở mức kỷ lục trong năm qua, VFA dự báo xuất khẩu gạo trong năm 2017 chỉ đạt mức trên 5 triệu tấn, tương đương sản lượng xuất khẩu năm 2016. Nguyên nhân chính, theo VFA phân tích, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2016-2017 được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 480 triệu tấn gạo xay xát, cao hơn niên vụ trước khoảng 1,6%. Cùng với đó, tồn kho gạo toàn cầu được dự báo lên ở mức cao nhất từ năm 2001 đến nay. 

Đáng chú ý, tồn kho ở các nước xuất khẩu chính lại giảm đáng kể, trong khi con số này lại tăng ở các nước nhập khẩu và xuất khẩu nhỏ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhập khẩu và hạn chế các hợp đồng thương mại gạo. Trong khi đó, những năm trước đây, các nước trong khu vực ASEAN như Philippines, Malaysia, Indonesia… nhập khẩu gạo Việt Nam lên đến 2-3 triệu tấn gạo theo các hợp đồng tập trung, nhưng đến năm 2016, lượng gạo xuất khẩu sang cả ba thị trường này chỉ còn khoảng 10%.

Sớm mua tạm trữ để ổn định giá lúa gạo

Theo VFA, xu hướng tự do hóa trong thương mại gạo ngày càng phổ biến ở các nước khu vực ASEAN khiến các hợp đồng tập trung tiếp tục suy giảm. Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu trong khu vực ở các thị trường chính. Trong bối cảnh trên, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2017 tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Ngay cả thị trường Trung Quốc - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam cũng khó đạt được sản lượng xuất khẩu như mong muốn. Mặt khác, theo thông tin từ VFA, hiện sản lượng tồn kho của các doanh nghiệp từ năm 2016 chuyển sang là 443.000 tấn, chưa kể vụ Đông Xuân sắp sửa vào đợt thu hoạch. Với nhu cầu yếu, sản lượng lại dồi dào, nhiều khả năng giá lúa gạo sẽ sụt giảm và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Hiện sản lượng tồn kho của các doanh nghiệp từ năm 2016 chuyển sang là 443.000 tấn, chưa kể vụ Đông Xuân sắp vào đợt thu hoạch.

Trước tình hình đó, VFA đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá tình hình thực tế và kiến nghị Chính phủ quyết định mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân 2016-2017, để ổn định giá thị trường theo định hướng, bảo đảm mức lãi tối thiểu cho nông dân. Bên cạnh đó, để tháo gỡ những khó khăn cho ngành lúa gạo, VFA kiến nghị Bộ NN&PTNT xúc tiến nhanh kế hoạch thực hiện lộ trình tháo gỡ các điểm nghẽn khi xuất khẩu gạo sang các thị trường chất lượng cao, giá cao. Đồng thời, có định hướng phát triển sản xuất dựa trên cơ sở nâng cao chất lượng và hiệu quả… 

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, phần lớn các công ty xuất khẩu gạo, kể cả Tổng Công ty Lương thực miền Nam hiện nay đều không có vùng nguyên liệu, phần lớn sản phẩm mua tạp của các thương lái, không kiểm soát được chất lượng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến gạo Việt Nam bị một số quốc gia trả về vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. 

Theo GS Võ Tòng Xuân, sắp tới, muốn thúc đẩy xuất khẩu gạo, phải gắn kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) với nhau. Nhưng chính nhà nông cũng phải biết gắn với nhau trong phạm vi một vài xã để có chung vùng nguyên liệu. “Phải làm thương hiệu gạo Việt Nam thì mới có thể cạnh tranh với thế giới và ngay tại sân nhà” - GS Võ Tòng Xuân nói.