Game online: Chơi mãi sẽ chán!
(ANTĐ) - Hơn 4 tháng sau khi Hà Nội cùng các địa phương khác đồng loạt quản lý gắt gao đại lý internet, hàng trăm đại lý internet vi phạm đã bị cắt đường truyền. Tuy nhiên, đây chưa phải biện pháp quản lý hiệu quả.
>>>Học sinh chơi game online: Nhiều số liệu đáng lo/ Quản lý game online: Không lẽ bó tay?
Biện pháp chủ yếu được tiến hành trong thời gian qua là cắt đường truyền của đại lý internet cách cổng trường học dưới 200m hoặc vi phạm giờ đóng, mở cửa… Tuy nhiên, không khó để sau 23h tìm kiếm các đại lý cửa ngoài im ỉm đóng nhưng bên trong không khí chơi game rất “nóng”.
Sức hấp dẫn của game online đang giảm sút |
Văn Võ - một game thủ kỳ cựu cho biết: “Những biện pháp cắt đường truyền, cấm phát hành game, hạn chế giờ chơi đều không hiệu quả. Bởi game thủ ngày nay có thể dễ dàng dùng internet tại nhà riêng, xóm trọ, hay góp tiền thuê đường truyền băng thông rộng. Họ cũng có thể tìm tới server nước ngoài để chơi. Theo game thủ này, học sinh, sinh viên cứ 10 người thì 7 người có máy tính kết nối mạng.
Khi cắt đường truyền quán internet, nhiều clan (nhóm chơi game) lại kéo nhau về xóm trọ tiếp tục “cày kéo”. Võ cho hay: “Nhiều bạn nhà cũng có mạng, nhưng chơi một mình không thích bằng ra quán ngồi hò hét, thả mình theo cảm xúc của nhân vật trong game và cảm giác tập thể cùng chung “chí hướng”. Đại lý internet vẫn còn khách chơi vì lý do đó”.
Trong một cuộc đối thoại về quản lý game online của Sở TT-TT Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Thành Nam - Tổng Giám đốc FPT cho rằng “Các cơ quan cần tính đến biện pháp về tài chính”. Ông Nam kiến nghị về việc có thể tăng giá truy cập, cước phí, thuế đối với lĩnh vực này. Chi phí để có đường truyền internet cũng như phí chơi game cao có thể hạn chế được số lượng người chơi. Ông Phạm Quốc Bản - Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội cho rằng, đây là ý tưởng tốt song để thực hiện lại không đơn giản!
Quản lý game online sao cho hiệu quả lại dấy lên nỗi lo đối với không ít bậc phụ huynh khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài sắp tới. Tâm lý “ăn chơi” trong tháng Giêng, tiền mừng tuổi “rủng rỉnh” cũng khiến không ít người tìm đến game online, lơ là học hành, làm việc…
Game thủ Quang Định cho hay, việc quản lý bằng biện pháp tài chính cũng không phải là giải pháp tốt và dễ gây tác dụng ngược, bởi tiền từ Việt Nam sẽ “chảy” sang server nước ngoài. Hoặc game thủ có thể đối phó bằng cách sử dụng chung 1 modem. Mặt khác, cách quản lý tài chính sẽ khiến không chỉ đại lý internet, người chơi game bị tăng chi phí, mà các ngành, các lĩnh vực khác sử dụng internet cũng bị tăng giá. Trong khi đó, internet vẫn đang cần được mở rộng phạm vi tiếp cận đến đông đảo người dân. Giá cả thấp là một trong những tiêu chí để thực hiện mục tiêu xã hội hóa này.
“Qua rồi cái thời cắm mặt vào bàn phím “đua level”. Chơi game với chúng tôi bây giờ có hạn mức mỗi tuần 1-2 buổi, mỗi buổi 2 đến 3 tiếng. Chơi game bây giờ là giải trí thực sự chứ không cò ham hố nữa”- Văn Võ khẳng định.
Theo Văn Võ và Quang Định, cũng giống như nhiều trò chơi khác, khi người chơi cứ chơi mãi một trò cũng dễ dẫn đến nhàm chán. Khi đó, họ sẽ tự “cắt cơn nghiện” mà không cần sức ép. “Điều khó nhất với họ không phải là bỏ game, mà tìm lại sự cân bằng so với thời gian trước khi chơi game. Khoảng thời gian đầu sẽ rất khó bởi game thủ có cảm giác chán, nhạt nhẽo với nhiều thứ. Đây là lúc họ rất cần gia đình, bạn bè hay những chuyến đi chơi xa, nghỉ mát...”- Quang Định chia sẻ.
Vân Hằng