Gã tú ông làng và giấc mơ lương thiện

ANTĐ - Giờ đến thôn Hòa Tây B, xã Phú Thuận (Thoại Sơn - An Giang), khách sẽ thấy sự đổi mới của vùng quê này, cũng sẽ nhận thấy sự đổi đời của Phan Văn Phúc, một người từng được gọi là “tú ông làng quê”. Bao năm sống ở vùng quê nghèo này, làm việc cật lực mà vẫn chẳng có “đồng ra đồng vào”. Vợ con nheo nhóc, nhà cửa lụp xụp. Phúc mơ ước được đổi đời nên đã kiếm tiền bằng cách dắt mối, kinh doanh mại dâm, kết hợp với các đối tượng đã từng làm ăn ngầm ở khu vực chợ Phú Thuận. 

Cá bống lai cá chình là một sáng tạo mới của anh Phúc

Cánh cửa cuộc đời

Để thực hiện ý định này Phúc đã thuê nhà, tìm “con mồi” và tổ chức “bán mồi”. Sau mấy lần suôn sẻ, khách đến ngày càng đông. Nhưng cuối cùng thì những hành vi phạm pháp cũng bị phát hiện, đầu năm 2000, việc làm của Phúc bị bại lộ. Phúc phải trả giá cho hành vi làm giàu bất chính bằng bản án 10 năm tù. Phúc chia sẻ: “Lúc đó, mình cảm thấy chân tay bủn rủn, mọi thứ như sụp đổ trước mắt. Còn gia đình, người thân khóc lên khóc xuống. Tôi cũng nghĩ với mức án ấy, tôi sẽ chẳng còn cơ hội để làm lại cuộc đời, không còn cơ hội chuộc lỗi với vợ con...”. 

Rồi cái ngày thụ án cũng đến. Phúc bước chân vào trại với một tâm trạng tuyệt vọng, không biết số phận của mình sẽ ra sao sau cái án tù dài đằng đẵng. Có những lúc Phúc đã có suy nghĩ tiêu cực, chán nản. Nhưng ở trại giam Cái Tàu (Cà Mau), Phúc đã được các cán bộ giúp đỡ. Phúc nhận ra rằng, mình chưa cùng đường. Lời nói của người quản giáo: “Anh hãy cải tạo tốt để được hưởng khoan hồng, rồi trở về với vợ con làm lại cuộc đời” đã như cơn gió mát lành thổi đến. Phúc đã thấy cuộc đời của mình vẫn còn có ý nghĩa vẫn còn hy vọng. Phúc nghĩ về gia đình nhiều hơn,  hăng hái cải tạo, làm việc tốt hơn. Đúng như lời nói của cán bộ, chỉ 5 năm sau, Phúc được khoan hồng, ra tù trước thời hạn. “Nghe xướng tên tôi trong danh sách những người được hưởng khoan hồng, một lần nữa tôi khóc nấc vì sung sướng. Vậy là cuộc đời lại mở ra một cánh cửa mới trước mắt tôi, cho tôi có cơ hội chuộc lại lỗi lầm”.

Con đường trở về

Bước ra khỏi trại giam, đón những tia nắng mới của cuộc đời, Phúc đã nghĩ nhiều về cuộc sống sau này của mình với niềm hy vọng. Song, con đường trở về đâu có thuận lợi, khi một người ra tù phải đối mặt với cuộc sống cũng đầy nghiệt ngã. Nó nghiệt ngã hơn rất nhiều lần so với sự tưởng tượng của Phúc. Về nhà với vợ con, với 7 công đất trong tay, khi chưa kịp tính toán làm ăn thì các chủ nợ đã bủa đến đòi. Đó là khoản nợ mà ngày trước Phúc vay để làm ăn. Phúc ở tù, vợ con không có điều kiện trả, giờ họ đến siết nợ. Phúc phải bán đi 4 công đất để trả nợ, đồng thời hứa với gia đình sẽ làm ăn chính đáng để bù đắp lại. Được mọi người tin tưởng, tha lỗi và động viên, Phúc đã quyết tâm làm ăn và bây giờ với anh chỉ có con đường làm ăn hợp pháp, bằng sức lao động chân chính của mình.

“Phải tìm ra việc gì đó”. Đây là ý nghĩ mà suốt nhiều đêm Phúc trăn trở. Anh đi thăm thú một số bạn bè và thấy họ nuôi cá bống tượng có hiệu quả, vậy là anh hỏi han, xin hỗ trợ kỹ thuật và về nuôi thử trên 3 công ruộng của gia đình. Nhưng con con cá bống tượng cũng khiến vợ chồng Phúc bao phen hoảng hồn, do cá chết hàng loạt mà không biết nguyên nhân. Không chịu bó tay, Phúc kiên nhẫn học hỏi kinh nghiệm, tìm tài liệu nghiên cứu để ứng dụng. “Đây là con đường gian nan, bởi xưa nay tôi không hiểu nhiều về con cá này. Nên cũng không hiểu vì sao cá chết. Nhưng tôi không bỏ cuộc. Từ chỗ làm ăn thua lỗ đến hòa, và có lãi, tôi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm”, Phúc chia sẻ.

Thấy Phúc tu chí làm ăn, cán bộ xã, huyện hỗ trợ vốn cho người hoàn lương làm ăn, nhưng anh đã dũng cảm từ chối quyết tâm tự bươn chải, vay mượn người thân dần dần góp gió thành bão.

Những việc làm chưa từng có

Từ năm 2005, rất nhiều thương lái nghe tiếng Phan Văn Phúc ở xã Phú Thuận nuôi cá bống tượng, muốn xem  “dân anh chị” này hoàn lương thế nào nên họ cũng muốn tìm đến xem thử. Từ “hiếu kỳ” đến kết thân, họ trở thành mối lái thu mua cá của Phúc. Càng ngày càng mở rộng kinh doanh. Phúc dấn thân vào việc nuôi cá chình thịt. Nghĩ là làm, Phúc đã xin chính quyền cho nuôi thả bè trên sông Cái Sắn và thầu thêm đầm ruộng. Vừa bán giống, vừa nuôi cá thịt, Phúc đã làm chuyện chưa từng có ở khu vực này. Từ năm 2009 đến 2012, mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 700 - 800 triệu đồng, bước sang năm 2013 nâng lên 1 tỷ đồng và dự kiến năm 2014 sẽ hơn con số này. “Tôi đã có cuộc sống mới, có niềm hạnh phúc của mình. Căn nhà đã được xây, vợ con đã được sống đàng hoàng. Tôi thì vẫn là một người nông dân, người nuôi cá chính hiệu”, Phúc cười nói.

Từ hai năm qua Hội Nông dân tỉnh Cà Mau đã tổ chức đoàn cán bộ, hội viên và nông dân các địa phương đến tham quan và trao đổi mô hình của Phúc. Anh cũng cung cấp giống cho bà con trong vùng, rồi sau đó thu mua cá chình thương phẩm của các hộ nuôi, khuyến khích đẩy mạnh nghề nuôi cá chình. Đây là hướng đi mới cho hội viên, nông dân Thoại Sơn. Ghi nhận những đóng góp của anh Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thoại Sơn - ông Vũ Thanh Quyền cho biết: “Anh Phúc đã đem lại luồng gió mới cho mảnh đất này. Anh ấy đã vượt qua khó khăn. Việc làm hiện tại của anh ấy giúp cho nhiều hộ dân có thu nhập và vươn lên làm giàu. Anh Phúc đã được UBND tỉnh An Giang, UBND huyện Thoại Sơn khen thưởng nhiều năm liền về những thành tích “sản xuất và kinh doanh giỏi”. 

Phan Văn Phúc đã hoàn thành giấc mơ hợp pháp, một giấc mơ lương thiện, với những việc làm ý nghĩa và chính đáng. Điều đó thật đáng quý biết bao.