Gà lậu tràn lan: Vẫn do thiếu trách nhiệm

ANTĐ - Vận chuyển gia súc, gia cầm lậu đang nóng hơn bao giờ hết. Dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, nhưng dường như chúng ta đang bất lực trước gà lậu.

Gà thải loại Trung Quốc nhiều nguy cơ chứa chất độc hại

Người Trung Quốc không ăn gà thải loại

Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi gặp thách thức lớn, giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 5-10%, trong khi giá thực phẩm lại giảm mạnh, giá lợn hơi chỉ còn từ 43.000 - 44.000 đồng/kg, nông dân đang chịu lỗ từ 1.000-3.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp ở miền Bắc từ 29.000 - 30.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang lỗ từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Trong khi chăn nuôi trong nước đang “chết dở sống dở” thì tình trạng nhập lậu gia cầm vào Việt Nam vẫn phức tạp, không chỉ gà đẻ thải loại, mà còn nhập lậu cả con giống gà, vịt, trứng giống và nội tạng gia súc. “Tình trạng nhập lậu trải dài qua các tỉnh biên giới từ Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, nhưng mạnh nhất là tại các cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh - Lạng Sơn và Móng Cái - Quảng Ninh”, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.

Cũng theo ông Trọng, nguyên nhân của tình trạng nhập lậu gia cầm và nội tạng là do chênh lệch về giá cả. Giá gà đẻ thải loại ở Trung Quốc chỉ 15.000 đồng/kg, nhưng đưa về đến chợ Hà Vỹ (Thường Tín) lên đến 65.000-70.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, trứng gia cầm và nội tạng gia súc giá thường rất rẻ, được các thương lái đóng thùng đông lạnh và chuyển về nước rồi đổ mối cho các quán ăn. Cục Chăn nuôi ước tính, vào thời kỳ cao điểm, gà thải loại Trung Quốc nhập qua Quảng Ninh lên tới 100-200 tấn/ngày, qua Lạng Sơn 100 tấn/ngày. Như vậy bình quân mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ từ 70.000 -100.000 tấn gà đẻ thải loại của Trung Quốc, chưa kể, khoảng 15-30 triệu con giống gia cầm thương phẩm. 

Tình trạng nhập lậu gà thải loại, nội tạng động vật là một trong những nguyên nhân gây lây lan dịch bệnh, nhất là cúm gia cầm. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần nhận định: “Chúng ta cứ nói virus cúm gia cầm biến đổi liên tục khiến việc phòng chống kém hiệu quả. Nhưng sâu xa hơn, chính do chúng ta nhập lậu virus vào, nhập giống không kiểm soát được nên nhập luôn cả virus”. Cùng với đó, gà thải loại, nội tạng động vật tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. “Các loại nội tạng thường để đông lạnh quá lâu, thậm chí được bảo quản bằng hóa chất độc hại, nhiều lô hàng đã bị phân hủy nhưng vẫn được đầu nậu đưa vào các nhà hàng, quán ăn chế biến… Gà thải loại Trung Quốc giá rất rẻ, người Trung Quốc không ăn loại thịt này, có thể trong thịt gà còn tồn dư một số chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Nguyễn Đức Trọng nhận định.

Không nên đổ cho thiếu lực lượng

Ông Nông Ngọc Tăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn lý giải, trên địa bàn tỉnh, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, hải quan rất tốt nhưng do biên giới dài, ngoài các cửa khẩu chính ngạch, tiểu ngạch còn nhiều lối mòn. Vì vậy, việc kiểm tra, kiểm dịch rất khó thực hiện. Tuy nhiên, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nhận định, cách làm như hiện nay không hiệu quả, không chặt chẽ. “Chúng ta mới chỉ tập trung vào những người bốc vác nhỏ lẻ, đi bắt mấy người cửu vạn chở thuê thì không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Ngành nông nghiệp các tỉnh biên giới có nắm được các điểm tập kết gà lậu lớn trên địa bàn không, có sự dung túng không? Không thể đổ thừa cho lực lượng mỏng, chỉ là, có dám làm hay không mà thôi”. 

Chứng minh cho lời mình nói, ông Diệp Kỉnh Tần cho rằng, dù chỉ lên Lạng Sơn công tác mấy ngày, nhưng bản thân ông đã nắm được trên địa bàn tỉnh này có 5 đầu nậu tập kết gà lậu để đưa về xuôi, nhưng, ông Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho biết, tỉnh này chưa nắm được. Tuy nhiên, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng, chúng ta đang lạm dụng khách quan để đổ thừa, trong khi, trách nhiệm làm chưa đến nơi đến chốn. Bởi, nếu không ngăn chặn, kiểm soát được nhập lậu thì chỉ cần 1 năm nữa, cả ngành chăn nuôi gia cầm sẽ đổ vỡ. Biến nền nông nghiệp Việt Nam từ một nước đáp ứng đủ nhu cầu thịt trong nước thành nước phải nhập khẩu thịt.  Ông Tần đặt câu hỏi: “Chúng ta có đầy đủ, hoàn thiện hệ thống từ con người, cơ chế… nhưng vẫn không làm được. Không thể chấp nhận cả một hệ thống tổ chức như vậy mà vẫn để tình trạng nhập lậu gia cầm tràn lan, hậu quả là nông dân gánh chịu. Chung quy, vẫn do chúng ta thiếu trách nhiệm”.