EU tìm cách lách lệnh trừng phạt của Mỹ áp cho Iran

ANTD.VN - Trong nỗ lực né tránh nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, Liên minh châu Âu (EU) đang xây dựng một cơ chế thanh toán cho phép mua dầu của Iran mà không vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. 

EU tìm cách lách lệnh trừng phạt của Mỹ áp cho Iran ảnh 1Khai thác dầu thô tại khu mỏ Kern

Theo người phát ngôn Cơ quan đối ngoại EU Maja Kocijancic, liên minh này đang trong quá trình đưa ra các biện pháp linh hoạt trong quan hệ với Iran. Hiện cơ chế thanh toán mới đã nhận được sự ủng hộ của 5 nước tham gia bảo trợ cho thỏa thuận hạt nhân Iran, bao gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga.

Iran sản xuất khoảng 4% sản lượng dầu thế giới, trong đó xuất khẩu sang châu Âu khoảng 450 nghìn thùng dầu thô mỗi ngày. Trong bối cảnh EU đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, nguồn dầu khí của Iran với giá khá cạnh tranh (do Iran chủ động hạ giá để thu hút khách hàng, tăng nguồn thu nhằm giảm bớt tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ) có sức hút đặc biệt.

Tuy nhiên từ đầu tháng 11 này, “làn sóng” thứ hai lệnh trừng phạt của Mỹ với chương trình hạt nhân của Iran đã bắt đầu. So với “làn sóng” trừng phạt đầu tiên bắt đầu từ tháng 8, nhằm vào việc Iran thu mua đồng USD, mua bán vàng và các kim loại khác, cũng như những giao thương bằng đồng rial của Iran và các hợp đồng mua ô tô hay máy bay thương mại chở khách, “làn sóng” thứ hai tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí và năng lượng của Iran cũng như các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran.

Khỏi phải nói lệnh cấm của Mỹ với Iran gây chia rẽ lớn quan hệ xuyên Đại Tây Dương như thế nào. Khác với người đồng minh Washington, châu Âu vẫn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân ký với Iran năm 2015. Trước lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng “bất kỳ ai làm ăn với Tehran sẽ không được làm ăn với Mỹ”, các nước EU, đặc biệt là Pháp, Đức, tuyên bố sẽ áp dụng “điều khoản ngăn chặn” để vô hiệu hóa biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty châu Âu làm ăn với Iran.

Có điều dù không muốn mất nguồn lợi dầu lửa của Iran nhưng EU cũng không thể đối đầu trực tiếp với Mỹ. Là một trong những bạn hàng lớn nhất của Mỹ, trong năm 2017, EU xuất khẩu sang Mỹ hơn 380 tỷ USD, thặng dư thương mại cả trăm tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu của EU sang Iran trong năm 2017 chỉ có 13 tỷ USD, một con số còn khá khiêm tốn.

Thiết lập một hệ thống thanh toán cho phép tiếp tục quan hệ thương mại và kinh doanh với Iran, nhất là trong lĩnh vực dầu khí, là phương cách mà EU đang tính tới để có thể vừa giữ quan hệ với Iran, vừa giúp các doanh nghiệp châu Âu tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo phương cách này, Tehran có thể bán dầu cho EU, tiền được trả bằng đồng euro cho một tổ chức độc lập riêng biệt và Iran sẽ dùng số tiền đó để mua hàng hóa nội bộ thành viên EU.

Cơ chế này giúp giải quyết cùng lúc 2 vấn đề. Một mặt, nó giúp không phát hành các giao dịch bằng đồng USD, nhờ đó có thể tránh được “con mắt dò xét” của Washington. Mặt khác, trong khuôn khổ của một trung tâm thanh toán, cấu trúc khép kín của nó sẽ giúp không để lộ thông tin về người mua dầu thô của Iran thực sự là ai, qua đó giúp né lệnh trừng phạt từ Mỹ nhằm vào quốc gia thứ ba bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, cơ chế mới này cũng có những điểm bất cập. Vấn đề là số tiền mà Iran nhận được cho hàng hóa của mình chỉ có thể chi tiêu bên trong  EU. Do đó, người bán dầu không thể mang tiền về nước để đầu tư vào nền kinh tế. Vấn đề khác là cơ chế trao đổi mới chủ yếu hướng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì thế giá trị của dầu trao đổi thấp hơn rất nhiều so với mong muốn. Và dù rất bất bình với Mỹ nhưng EU vẫn lo ngại cơ chế trên có thể dẫn tới đối đầu với Mỹ. Xem ra, không có nước nào trong EU muốn “đối đầu trực tiếp” với Washington.