Eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ: Tử huyệt của hải quân Nga

ANTĐ - Việc tàu cảnh sát biển và máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bám đuổi một tàu bổ trợ của Hạm đội Biển Đen trên eo biển Bosporus ngày 8-5 là sự kiện tiếp theo, bộc lộ rõ điểm yếu chết người của hải quân Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ nghi tàu Nga mang xe tăng đến Syria

Ngày 8-5 vừa qua, tờ Báo Thổ Nhĩ Kỳ Hurriyet (Hurriyetdailynews) đưa tin rằng, nhà chức trách nước này nghi ngờ có xe tăng trên tàu Nga đi qua eo biển Bosphorus nên đã cử các tàu và máy may trực thăng cảnh sát biển bám sát, theo dõi mọi động tĩnh của nó.

Theo dữ liệu của tờ báo này, con tàu hải quân Nga mang số hiệu KIL-158 đã đi qua eo biển Bosphorus vào buổi sáng ngày 8-5-2016. Trên boong tàu người ta nhìn thấy có mấy binh lính đang canh gác và dường như có hai chiếc xe tăng được phủ lớp bạt ngụy trang.

Các tàu tuần tiễu và máy bay cảnh sát biển Thổ Nhĩ Kỳ đã bám theo con tàu Nga suốt quãng đường qua eo biển Bosphorus dài gần 30km để theo dõi chuyến hàng “nghi vấn”. Tuy vậy, họ đã cũng không đưa ra hành động gì gây cản trở cho chiếc tàu Nga.

Bởi vì, theo quan điểm của một trong những chuyên gia quân sự mà báo Hurriyet viện dẫn cho biết, Nga có rất nhiều phương tiện vận tải chuyên dụng như máy bay vận tải, tàu đổ bộ chở tăng…, nên họ không cần thiết phải chuyên chở xe tăng ngụy trang sơ sài và lộ liễu như vậy.

Theo ông này, tàu KIL-158 là tàu bổ trợ tàu ngầm, có lượng giãn nước thông thường khoảng 4.300 tấn, đầy tải 6.300 tấn, chiều dài 97,83m, rộng 18,2m, mớn nước 5,7m. Tàu có tốc độ khoảng 13,5 hải lý (25km), phạm vi hành trình 2.000 hải lý (3700km).

Chiếc tàu bổ trợ tàu ngầm KIL-158 thuộc lớp Kashtan được đóng ở Nhà máy chế tạo tàu thuyền Neptun Werft, ở thành phố Rostock (thuộc Đông Đức cũ). Nó được hạ thủy vào ngày 30-9-1989 và bàn giao cho hải quân Liên Xô vào tháng 10 năm 1990.

Tàu và máy bay Thổ Nhĩ Kỳ vây tàu đổ bộ Minsk của Nga ở eo biển Bosphorus

Trước đây, tàu KIL-158 thuộc Lữ đoàn tàu cứu hộ 34 của Hạm đội Thái Bình Dương-Nga, có trụ sở tại Vladivostok. Không rõ con tàu này hiện đã được biên chế chính thức về cho Hạm đội Biển Đen hay đang được tăng cường tạm thời cho hạm đội này.

Tàu KIL-158 đảm nhận chức năng tìm kiếm, cứu hộ tàu ngầm, có khả năng mang tới 100 tấn thiết bị tìm kiếm, cứu hộ như cần trục, cần cẩu, phao nổi, tàu xuồng…, nên dưới lớp ngụy trang phủ bạt trên boong của nó có thể không phải là xe tăng mà là các tàu tuần tra cao tốc.

Quan hệ giữa Moscow và Ankara đã trở nên vô cùng căng thẳng, do vụ máy bay tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 Nga trên bầu trời tỉnh Latakia - Syria, khi nó đang truy quét các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), vào ngày 24-11-2015.

Eo biển Bosphorus: Tử huyệt của hải quân Nga

Sau vụ việc Su-24, giới chức lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh biện pháp an ninh đối với các tàu Nga đi qua eo biển của nước này, nên đã nhiều lần bị Moscow tố cáo là vô cớ “quấy nhiễu, gây khó dễ” cho các tàu chiến và cả tàu dân sự của nước này.

Trong tháng 12-2015, các tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ cũng thường xuyên nổi lên mặt nước và bám sát các tàu chiến Nga như tuần dương hạm hạng nặng Moskva (số hiệu 121, thuộc lớp Slava) hay tàu vận tải Yauza thuộc Project 550M lớp Amguema.

Căng thẳng tiếp tục gia tăng từ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc binh lính Nga trên tàu vận tải đổ bộ mang số hiệu 158 Caesar Kunikov đã giương tên lửa phòng không vác vai, khi đi qua eo biển Bosphorus vào ngày 4-12-2015, là hành động “vô cùng khiêu khích”

Tàu bổ trợ tàu ngầm KIL-158 của Nga bị nghi mang theo xe tăng dưới lớp phủ bạt

Sự việc đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra vào ngày 13/12/2015, khi tàu khu trục Smetlivyi, thuộc lớp Kashin của Nga đã nổ súng ngăn chặn một vụ áp sát có khả năng dẫn đến đụng độ với tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ, ở vị trí cách đảo Lemnos (Hy Lạp), phía Bắc biển Aegean 22 km.

Mới đây nhất là vào ngày 8-4-2016, các tàu Thổ Nhĩ Kỳ đã bao vây, đồng thời máy bay cũng lượn vòng trên đầu tàu đổ bộ Minsk của Nga ở eo biển Bosporus, khi nó di chuyển từ cảng Tartus (Tartous) của Syria về căn cứ của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol-Crimea.

Các quan chức Nga cho rằng, đây là hành động khiêu khích nguy hiểm khi vào thời điểm đó, chiếc tàu vận tải đổ bộ lớp Ropucha của Nga (mang số hiệu 127) này hoàn thành nhiệm vụ, từ Syria trở về căn cứ và không mang theo bất cứ loại hàng hóa gì.

Được biết, eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ là con đường duy nhất để các chiến hạm Nga thuộc Hạm đội Biển Đen ra, vào Địa Trung Hải. Nó cũng là con đường tiếp vận duy nhất từ vùng biển này cho lực lượng hải quân Nga đóng ở căn cứ hậu cần-bảo đảm Tartus ở Syria.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa eo biển này thì Hạm đội Biển Đen của Nga sẽ bị nhốt chặt, vô phương tiếp vận cho Syria, Moscow chỉ còn cách vận chuyển hàng hóa bằng đường không hoặc đường biển từ Baltic sang Đại Tây Dương vào Địa Trung Hải hay từ hướng Ấn Độ Dương lên.

Tuy nhiên, trừ đường không ra, các con đường vận tải biển thay thế để đến Địa Trung Hải và Syria đều quá xa và tốn kém. Do đó, eo biển Bosphorus hiện được coi là điểm yếu lớn nhất của hải quân Nga, nếu họ muốn vươn xa hoạt động ngoài khu vực Biển Đen.