Đường “Nhuệ” tái hầu tòa trong vụ án thu tiền hỏa táng người chết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 17-11, Tòa án tỉnh Thái Bình đưa Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "nhuệ", SN 1971) và đồng bọn ra xét xử về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Đây là lần thứ tư liên tiếp từ năm 2020 đến nay, "trùm" giang hồ Thái Bình phải ra hầu tòa.

Thái độ bất hợp tác của các bị cáo

Cùng bị truy tố ra trước tòa với Đường “Nhuệ" về tội danh nêu trên còn có Ninh Đức Lợi (SN 1974); Nguyễn Thị Dương (vợ Đường, SN 1980); Phạm Văn Úy (SN 1989); Nguyễn Khắc Nin (SN 1979); Quách Việt Cường (SN 1974) và Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến “trắng”, SN 1995 và là con nuôi Đường “Nhuệ”). Tất cả các bị cáo đều có hộ khẩu tại Thái Bình.

Trong phần khai mạc, chủ tọa phiên tòa hỏi Bùi Mạnh Tiến rằng có tiếp tục từ chối các luật sư của mình theo ý kiến được trình bày tại phiên xử vụ "Cố ý gây thương tích" hôm 25-10 không.

Đáp lời, bị cáo Tiến giữ nguyên quan điểm, đồng thời từ chối khai báo căn cước, nhân thân. Tiến "trắng" còn ra điều kiện rằng “muốn nói việc khác trước, rồi sẽ chấp hành”.

Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") và đồng phạm bị đưa ra xét xử tại tòa.

Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") và đồng phạm bị đưa ra xét xử tại tòa.

Khi nữ chủ tọa phiên tòa hỏi họ tên đầy đủ có phải Bùi Mạnh Tiến không? Bị cáo đáp: “Cái này ai chả biết”. Con nuôi Đường "Nhuệ" còn giơ tay hình chữ V khi thấy phóng viên chụp ảnh.

Được chủ tọa cho trình bày, Tiến cầm tờ giấy lên đọc với khẳng định sai phạm đến đâu xin chịu đến đó nhưng bị cáo này cho rằng bản thân không có tội và bị bố nuôi Đường “Nhuệ” đổ trách nhiệm trong nhiều vụ án khác nhau.

Bị cáo Tiến cho rằng luật sư bố nuôi thuê cho mình không khách quan nên phải từ chối và “tôi nói khéo ông Đường rồi, bảo ông đừng cho thằng em luật sư của ông làm cho tôi”.

Trước việc Tiến "trắng" nói năng không đúng trọng tâm vụ án, chủ tọa lập tức lưu ý, ý kiến tranh luận của bị cáo sẽ được trình bày sau, giờ mới là phần kiểm tra căn cước. Tuy nhiên, Tiến "trắng" tiếp tục giơ tờ giấy lên: “Phải cho tôi nói hết, chữ này bé khó đọc”. Đối tượng sau đó cho hay đã yêu cầu bố mẹ không nộp án phí thay con vì “án tù dài quá”.

Đến lượt mình, Nguyễn Xuân Đường đề nghị tòa triệu tập các bị hại bằng không phải “viết lại cáo trạng”. Đường cho rằng đang bị truy tố tội cưỡng đoạt tài sản và hành vi này phải có bị hại nhưng những người tòa cho là bị hại chỉ là những người cùng làm ăn với đối tượng.

Nguyễn Xuân Đường còn đề nghị chủ tọa thay kiểm sát viên với lý do vị kiểm sát viên này không cho anh ta đọc hoặc nhận cáo trạng trước khi chuyển hồ sơ vụ án sang cơ quan xét xử.

Bào chữa cho Đường "Nhuệ" và đồng phạm, các luật sư cũng đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập bị hại vì các luật sư cho rằng bị hại có nhiều lời khai không khách quan. Ngoài ra, luật sư, bị hại không được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử và việc này vi phạm luật tố tụng hình sự nên cũng cần hoãn tòa.

Trước đề nghị hoãn phiên tòa của các luật sư, Đường “Nhuệ” lập tức có ý kiến, xin tiếp tục xét xử vì bị cáo đã chờ đợi phiên tòa này quá lâu!

Được HĐXX hỏi ý kiến, kiểm sát viên cho hay đã tống đạt cáo trạng cho Đường “Nhuệ” và anh ta đã ký, ghi ý kiến vào biên bản giao nhận ngày 25-6-2021. Kiểm sát viên không có nghĩa vụ phải đọc cáo trạng khi giao cho Đường nên ý kiến của anh ta không có căn cứ, đề nghị tòa tiếp tục xét xử.

Sau hội ý, chủ tọa cho rằng yêu cầu thay đổi kiểm sát viên của bị cáo Đường không có cơ sở chấp nhận. Các bị hại, nhân chứng, người liên quan vắng mặt nhưng họ đã có lời khai tại giai đoạn điều tra, nếu cần sẽ công bố nên HĐXX quyết định tiếp tục làm việc.

Không đồng tình với quan điểm của tòa, các luật sư cùng cho rằng HĐXX vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tố tụng hình sự và không tôn trọng pháp luật nên tất cả cùng bỏ ra ngoài, không tham gia phiên tòa.

Chủ tọa phiên tòa sau đó quyết định vụ án tiếp tục xét xử vụ án và đề nghị kiểm sát viên công bố cáo trạng truy tố Nguyễn Xuân Đường và đồng phạm. Chiều cùng ngày, các luật sư tham gia vụ án tiếp tục trở lại làm việc.

Cáo buộc cưỡng đoạt trên 2 tỷ đồng

Theo cáo trạng truy tố, năm 2017, Nguyễn Xuân Đường được một người ở Thái Bình nhờ xin cho mở cơ sở tang lễ nên tới gặp ông Trần Đình Giao, Chủ tịch đơn vị sở hữu Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình ở Nam Định bàn hợp tác.

Tuy nhiên đầu tháng 12-2017, Đường cùng đồng bọn ép đại diện Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình phải ngừng hoạt động ở Thái Bình. Đường còn tự xưng là “Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình”.

Đường cùng Tiến “trắng” đã tổ chức một số buổi gặp mặt các cơ sở làm dịch vụ tang lễ, yêu cầu họ chỉ hoạt động trong địa bàn anh ta cho phép và phải nộp 500 nghìn đồng/ca hỏa táng. Ai chống đối sẽ bị “nhóm người xăm trổ” đánh hoặc bị Đường đe dọa: "... chỉ có con đường chết thôi”.

Những người muốn kinh doanh dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình phải chấp nhận các yêu cầu trên, tham gia “Hiệp hội tang lễ Thái Bình”. Cơ sở nào chống đối hoặc tự ý nhận hỏa táng khi không báo cáo, Đường cho đàn em đe doạ, chặn xe, đánh người. Do sợ bị trả thù, các cơ sở này không dám tố cáo.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, từ cuối năm 2017 đến tháng 4-2020, nhóm của Đường “Nhuệ” cưỡng đoạt của 25 bị hại là chủ cơ sở tang lễ với tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

Ngoài vụ án này, năm 2020, TAND TP Thái Bình xác định Đường có hành vi đánh anh Mai Thế Duy tại trụ sở Công an phường Trần Lãm vào năm 2014 nên phạt anh ta 2 năm 6 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích".

Trong vụ án đánh một phụ xe khách, Đường "Nhuệ" bị tuyên 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Dương nhận 3 năm tù; bốn đàn em của vợ chồng này bị tuyên từ 2 đến 3 năm tù cùng về tội "Cố ý gây thương tích".

Ngày 18-10 mới đây, Đường cùng con nuôi Tiến “trắng” chia nhau mỗi người 1 năm tù về tội "Xâm phạm chỗ ở của công dân". Tổng cộng, Tiến "trắng" đã bị phạt 12 năm tù trong 3 vụ án khác nhau.

Ngày mai (18-11), phiên tòa tiếp diễn với phần thẩm vấn các bị cáo.