- Đề xuất 5 phương thức xét tuyển đại học 2017
- Đề xuất 5 phương án xét tuyển đại học 2017
- Tuyển sinh đại học 2017: Học trường chuyên chiếm lợi thế
Quy chế tuyển sinh đại học 2017 đã được Bộ GD-ĐT chính thức công bố. Theo đó, nhiều điểm thay đổi so với quy định năm 2016.
Bộ GD-ĐT vẫn giữ quy định về ngưỡng điểm đầu vào xét tuyển ĐH 2017
Vẫn chưa bỏ điểm sàn
Ngược với dự thảo quy chế xét tuyển đại học 2017 được công bố trước đó, trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn duy trì điểm sàn tuyển sinh vào ĐH. Việc bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ lùi lại năm sau, năm 2018.
Năm 2017, Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Tuy nhiên, vẫn có những thí sinh thấp hơn điểm sàn vẫn có khả năng được xét tuyển. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 bài thi/môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm (theo thang điểm 10).
Để được chính thức vào đại học, những thí sinh này sẽ phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.
Theo quy chế mới được ban hành, các trường đại học có thể không sử dụng kết quả thi THPT để tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 mà xét tuyển học bạ hoặc tổ chức thi riêng.
Đối với phương án xét tuyển bằng học bạ, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với trình độ ĐH (theo thang điểm 10).
Trường đại học đóng tại các tỉnh biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể xét tuyển các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, địa phương này ở mức thấp hơn 0,5 điểm.
Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin theo quy định của Bộ thì mỗi trường sẽ tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình.
Không giới hạn nguyện vọng và đợt xét tuyển
Được điều chỉnh nguyện vọng
Theo quy chế tuyển sinh mới ban hành, các trường đại học có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Còn thí sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu ĐKXT cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định của sở GDĐT kèm theo lệ phí ĐKXT. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện ĐKXT và nộp lệ phí theo quy định của trường;
Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT một lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi.
Trong đợt 1, đối với từng trường, ngành thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Đối với mỗi thí sinh, nếu đăng ký vào nhiều trường/ ngành thì xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng.
Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Thí sinh ĐKXT vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan.
Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi/ bài thi theo thang điểm 10 đối với từng môn thi/ bài thi của từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25, cộng với điểm ưu tiên đối tuợng, khu vực.
Nếu có các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển đối với thí sinh ĐKXT nguyện vọng ưu tiên cao hơn và theo các điều kiện phụ mỗi trường đã thông báo.
Năm nay, Bộ vẫn quy định, thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác trong đợt xét tuyển bổ sung.