ĐBQH Dương Trung Quốc

Đừng xem mình "bị chất vấn" mà phải là "được chất vấn"

ANTĐ - Ông có đánh giá thế nào về danh sách 4 Bộ trưởng được mời chất vấn lần này? 
Đừng xem mình "bị chất vấn" mà phải là "được chất vấn" ảnh 1

- Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng 4 Bộ trưởng (Bộ NN&PTNT, Công Thương, KH-CN, GD&ĐT) được chỉ định lần này là khá khách quan, dựa trên thăm dò ý kiến của các ĐBQH. Cách làm này là tốt nhưng theo tôi Quốc hội nên chủ động đưa ra các vấn đề và các Bộ trưởng liên quan có trách nhiệm phải trả lời các vấn đề đó trước Quốc hội, cử tri, thay vì chỉ định một Bộ trưởng. Ví dụ, hiện nay đất nước mình đang hội nhập rất sâu với thế giới, tham gia nhiều cam kết quốc tế, đặc biệt sắp trở thành thành viên Cộng đồng ASEAN, đây là những vấn đề hết sức quan trọng, đặt ra những câu hỏi rằng liệu nền kinh tế của chúng ta có chủ động hội nhập được không… Rõ ràng đây đang là vấn đề bức xúc của xã hội nhưng lại không nằm trong phạm vi trả lời của 4 Bộ vừa được chỉ định trả lời chất vấn kỳ họp này.

Hay như ngành nông nghiệp, tại sao chúng ta lại luôn để người nông dân trong vị thế bấp bênh như thế. Nhưng bản thân ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chỉ nắm được một mảng của nông nghiệp, còn sản phẩm nông nghiệp nếu xuất khẩu phải qua Bộ Công Thương, hay đầu tư cho nông nghiệp liên quan đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư… và cần câu trả lời của cả các Bộ này, chứ không riêng của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Vì vậy, tôi nghĩ nên chất vấn theo chuyên đề chứ đừng theo lối mòn là hỏi Bộ trưởng. Việc hỏi Bộ trưởng nên hỏi lúc khác, ngoài phạm vi kỳ họp.

PV: Vậy ông đã từng đề xuất quan điểm này lên Quốc hội chưa? 

- Tôi đã từng đề cập vấn đề này từ rất lâu và tôi đã thấy có nhiều chuyển biến. Ví dụ trước đây những kỳ họp Quốc hội ít có chuyện chất vấn thì nay đã có cả truyền hình trực tiếp các buổi chất vấn, nó tạo ra không khí rất cởi mở, dân chủ. Nhưng nếu giờ chúng ta thực hiện chất vấn theo chuyên đề như tôi phân tích ở trên, tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn.

PV: Với lần chất vấn tới đây, theo ông 4 Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn cần có sự chuẩn bị, rút kinh nghiệm gì không?

- Khi trò chuyện thân mật tại hội trường, tôi cũng đã chia sẻ với một số Bộ trưởng, rằng anh phải thay đổi nhận thức, đừng xem là mình “bị chất vấn” mà phải là “được chất vấn”, tức là có cơ hội đứng trên diễn đàn nói những điều cần nói trước các đại biểu, cử tri cả nước. Tất nhiên, mình sẽ phải trả lời các vấn đề áp lực, gây bức xúc xã hội, nhưng đồng thời mình cũng có quyền nói về công việc của mình với xã hội nữa. Ngoài ra, theo tôi trong chất vấn, câu hỏi là rất quan trọng. Vì nếu câu hỏi không rõ ràng, không có giá trị thì câu trả lời cũng sẽ chỉ là những thông tin không giá trị.

- Xin cảm ơn ông!