Đừng vô tư quảng cáo, mặc nhiên công nhận "mác" trường quốc tế

ANTD.VN - Việc các cơ quan quản lý lên tiếng thừa nhận về tình trạng tự gắn “mác” quốc tế của hàng loạt trường học đã khiến không ít phụ huynh giật mình. Thậm chí, có người đến bây giờ mới biết, cái tên quốc tế chỉ đơn giản là một cách gọi nhằm làm an lòng những khách hàng đã chót đóng học phí cho con cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Đừng vô tư quảng cáo, mặc nhiên công nhận "mác" trường quốc tế ảnh 1

Cơ quan quản lý chưa thể kiểm soát hết được việc tự gắn mắc “trường quốc tế”

Sự thật về trường quốc tế

Với nhu cầu được hội nhập, theo đuổi mô hình giáo dục tiệm cận với xu hướng quốc tế, đặc biệt là được cọ xát trong môi trường học tập bằng tiếng nước ngoài, nhiều phụ huynh đã không tiếc tiền chi  hàng trăm triệu mỗi năm cho con em mình học tại các trường phổ thông quốc tế. Tuy nhiên, sự thật về tên gọi quốc tế của nhiều trường học mới được phát hiện tình cờ qua một sự cố của trường quốc tế Gateway.

Tại buổi họp báo thông tin về vụ việc, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) quận Cầu Giấy khẳng định: “Trên địa bàn quận không có trường quốc tế, kể cả trường Gateway. Từ “quốc tế” là do nhà trường tự gắn mác để thu hút học sinh. Trong quyết định về loại hình trường, không có khái niệm trường quốc tế…”. 

Chị Phạm Mai Hương, một phụ huynh có con từng theo học tại trường quốc tế Global lo ngại: “Chúng tôi rất bối rối không hiểu cụ thể tên gọi “quốc tế” của trường hiện nay là như thế nào. Đa phần phụ huynh chỉ quan niệm “trường quốc tế” vẫn là trường “thuần Việt”, nhưng có liên kết đào tạo và có thêm chương trình cấu phần tiếng Anh.

Đương nhiên đã đăng ký vào những trường này phụ huynh phải chấp nhận đóng học phí cao. Thế nhưng cũng có những phụ huynh phản ánh, chất lượng thực sự của các trường quốc tế này không biết có được cơ quan nào kiểm định hay không mà khi ra trường, con mình thường thua kém nhiều học sinh trường công. Điều mà phụ huynh cần hiện nay là căn cứ để phân biệt thật - giả để không bị bịt mắt bởi quảng cáo”.

Thiếu rõ ràng về tính pháp lý

Trả lời Báo ANTĐ về việc hiện tại Việt Nam có khái niệm hay quy định nào về “trường quốc tế” không, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo khoản 1, Điều 48, Luật Giáo dục 2005 quy định hệ thống Giáo dục quốc dân có 3 loại hình nhà trường gồm: Trường công lập, Trường tư thục và dân lập (trong Luật Giáo dục 2019, loại hình Trường dân lập chỉ áp dụng cho Cơ sở giáo dục mầm non). Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên. Với câu trả lời này có thể thấy, khái niệm “trường quốc tế” chưa được coi là loại hình giáo dục chính thức được quy định trong luật. Tuy nhiên trên thực tế, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, không ít trường được thành lập và được coi là trường quốc tế. 

“Khái niệm “trường quốc tế” chưa được coi là loại hình giáo dục chính thức được quy định trong luật. Tuy nhiên trên thực tế, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, không ít trường được thành lập và được coi là trường quốc tế”. 

Ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT)

Trả lời việc những trường đặt tên là “trường quốc tế” có đúng các quy định hiện hành hay không, ông Phạm Quang Hưng cho biết: “Việc đặt tên các trường đã được quy định rõ trong Điều lệ trường của các cấp học và Nghị định 86/2018/NĐ-CP. Cụ thể, việc đặt tên trường được thực hiện theo quy định sau: Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và “tên riêng”, không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Khi xem xét hồ sơ thành lập trường, tùy theo cấp học, UBND cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý tương ứng), căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định. Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ “quốc tế’ mà trường tự thêm vào là trường đã thực hiện sai quy định.  

Trước việc nhiều trường lợi dụng tên gọi “quốc tế” để tự phong, ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Xử lý vấn đề này hiện có khó khăn là Nhà nước chưa định nghĩa đầy đủ về “trường quốc tế” và chưa có chế tài cụ thể xử lý những trường hợp này. Các cơ quan quản lý sẽ phải vận dụng các quy định liên quan để xử lý những đơn vị làm sai”.

Làm gì để tránh nhầm lẫn?

Trước tình trạng cơ quan quản lý chưa thể kiểm soát hết được việc tự gắn mác “trường quốc tế”, ông Phạm Quang Hưng khuyến cáo: “Tên gọi nhà trường chưa nói lên tất cả. Do đó, phụ huynh khi lựa chọn trường cho con em cần xem xét đầy đủ các thông tin như: chương trình giáo dục, ngôn ngữ giảng dạy, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị… của nhà trường qua nhiều kênh khác nhau. Theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGĐT, các thông tin liên quan của nhà trường phải được công khai để người dân được biết”. 

Về phía Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Lê Ngọc Quang cho biết: “Sở sẽ sớm công bố đích danh những trường quốc tế được công nhận, những trường chỉ mang yếu tố nước ngoài, để người dân nắm được, tránh trường hợp mạo danh gây hiểu nhầm”. Cùng với việc công bố tên các trường quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài, ông Quang cũng thông tin rằng, các vấn đề còn tồn tại liên quan đến việc mạo danh của một số trường sẽ bị kiểm tra, rà soát để xử lý.

Về phía Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế thì khẳng định, trong những năm gần đây, với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục của Chính phủ, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động giáo dục đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu hội nhập, giảm bớt gánh nặng đối với ngân sách Nhà nước, đáp ứng một phần nhu cầu khác nhau của xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế đã có một số hiện tượng vi phạm các quy định pháp luật. 

Để giải quyết hiện tượng này, Bộ GD&ĐT gần đây đã đẩy mạnh, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm. Từ kết quả rà soát, Bộ sẽ xem xét để hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan. Mới đây, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kiểm tra các trường mang danh quốc tế trên địa bàn.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng mong nhận được sự phối hợp của người dân trong việc cung cấp các thông tin về những hiện tượng vi phạm của các cơ sở giáo dục để kịp thời xác minh, chấn chỉnh và xử lý vi phạm.