Đừng tự đẩy mình vào thế khó
(ANTĐ) - “Nếu chủ bãi xe, nhân viên trông giữ biết chiếc xe mà khách đem vào bãi gửi là “có vấn đề” mà vẫn tiếp nhận mà không tố giác đến cơ quan công an thì sẽ bị xem xét xử lý về hành vi chứa chấp hoặc không tố giác tội phạm”, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội trao đổi với PV ANTĐ về những hệ lụy có thể xảy ra, xung quanh bài “Hàng trăm xe máy vô chủ tại các bãi xe” (đăng tải trên Báo ANTĐ ngày 25-5).
Chấn song sắt không ngăn được nguy cơ hỏa hoạn với những chiếc xe máy này |
“Kêu” mãi mà chưa được “cứu”
Theo tìm hiểu của PV, hiện tượng xe máy vô chủ xuất hiện ở nhiều bãi trông giữ xe trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thông tin mà chủ các bãi trông giữ phản ánh đến cơ quan chức năng chưa nhiều, nhất là với các điểm trông giữ do tư nhân quản lý. Một trinh sát hình sự CAQ Hai Bà Trưng lý giải về điều này, một là do các điểm trông giữ trên “ngại” thủ tục phức tạp khi trình báo và nguyên nhân nữa, có điểm trông giữ sẽ lợi dụng các xe gửi lâu ngày không có người đến nhận, tiến hành đánh tráo phụ tùng giá trị. Tuy nhiên, có không ít điểm trông giữ đã có trình báo nhưng hồi âm từ phía cơ quan chức năng lại hết sức chậm chạp.
Trường hợp điển hình là hàng chục xe máy đang tồn tại bệnh viện Bạch Mai. Đại diện phía bệnh viện cho biết, sau khi chuyển giao mô hình trông giữ xe cho doanh nghiệp tư nhân, phía bệnh viện đã tiến hành kiểm kê, lên danh sách xe vô chủ. Có xe bị “vứt” đã 5, 6 năm không có người đến nhận, chỉ còn lại khung sắt và bộ yên. Trên cơ sở đó, bộ phận hành chính của bệnh viện gửi công văn đến chính quyền cơ sở với hai nội dung: Thông báo hiện tượng xe tồn và kiến nghị phối hợp giải quyết. “Năm nào chúng tôi cũng kiểm kê và đã có không dưới 2 lần gửi công văn đến chính quyền cơ sở, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy ai đả động đến việc giải quyết xe vô chủ” - vị cán bộ Phòng Hành chính bệnh viện Bạch Mai ngao ngán.
Tiếng là xe vô chủ, nhưng ở vào “tình cảnh” của bệnh viện Bạch Mai hiện nay, không hề dễ xử lý. Đem bán đồng nát, sắt vụn, nhỡ một ngày chủ xe quay lại đòi thì thế nào khiếu kiện cũng xảy ra. Còn muốn bán thanh lý thì kèm theo đó phải có các thủ tục, mà ở đây, riêng thủ tục “kêu gọi” sự phối hợp của chính quyền cơ sở đã hết sức khó khăn.
“Chặn” nguy cơ phức tạp
Thủ đoạn hiện nay của không ít đối tượng trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm là mang xe máy chúng lấy được đem vào các bãi gửi. Thực tế là bất kỳ điểm trông giữ nào, chỉ trong 24 tiếng đồng hồ nhân viên trông giữ đã có thể xác định chiếc xe “có vấn đề”, thông qua việc bàn giao, sắp xếp lại các khu vực để xe. Tại những điểm trông giữ ở bệnh viện Thanh Nhàn, Bạch Mai, hay khu vực gầm cầu Long Biên, đều có bãi dành riêng cho các xe vô chủ. Dấu hiệu của những chiếc xe này là bụi phủ đầy yên, các phụ tùng bằng kim loại gỉ sét. Vậy mà nhiều điểm trông giữ vẫn “mặc kệ”. Và hiện tượng này chỉ bị các trinh sát hình sự phát hiện thông qua công tác rà soát.
Trong bối cảnh chậm trễ, “ngại” thông tin từ phía các điểm trông giữ như hiện nay, nên chăng, cơ quan chức năng vừa có biện pháp tuyên truyền, vừa tiến hành kiểm tra và có hình thức xử lý nghiêm đối với những điểm trông giữ có dấu hiệu tiếp tay - trông giữ xe - cho đối tượng phạm tội. Bởi theo ý kiến của một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, “nếu chủ bãi xe, nhân viên trông giữ biết chiếc xe mà khách đem vào bãi gửi là “có vấn đề” mà vẫn tiếp nhận rồi không tố giác đến cơ quan công an, thì họ sẽ bị xem xét xử lý về hành vi chứa chấp hoặc không tố giác tội phạm”. Không có sự kiểm soát, ngăn chặn sớm, ai dám chắc các điểm trông giữ xe máy sẽ không trở thành “điểm nóng”?
Hoàng Quân