Đúng, trúng và vừa đủ

ANTĐ - Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã tập trung thảo luận, phân tích và đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch phát triển 2014. Những nhận định, kết luận của Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng khi kỳ họp thứ 6 Quốc hội sắp diễn ra trong vòng hơn hai tuần tới. Nhiều quan chức Nhà nước cho rằng, nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu sáng sủa, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Trong 15 chỉ tiêu của kế hoạch năm 2013, dự kiến có 12 chỉ tiêu đạt và vượt; 3 chỉ tiêu không đạt là tăng trưởng GDP, tổng đầu tư toàn xã hội và tạo việc làm.

Theo Tổng cục Thống kê, sau 9 tháng GDP tăng trưởng 5,14, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 5,5%, nhưng cao hơn so với cùng kỳ năm 2012. Lạm phát tăng lên 1,06% so với cùng kỳ, đẩy kỳ vọng lạm phát cả năm lên 7,5% vẫn thấp hơn năm trước. Đã có những dấu hiệu ban đầu về hồi phục niềm tin như số doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập tăng 10,8%. Trong 9 tháng có 11.299 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Nếu tính 150.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động từ năm 2014 đến nay thì số người mất việc làm và thu nhập lên đến 3 triệu người.

Song, tỷ lệ thiếu việc làm vẫn thấp tới 3,6% cho thấy, người lao động đã tạm thời tìm được việc ở khu vực kinh tế phi chính thức. Hiện có hai luồng ý kiến, một là kích cầu đầu tư công bằng cách nới mức độ bội chi và hai là kiên trì ổn định vĩ mô.

Theo một số chuyên gia kinh tế, mọi sự can thiệp vào phía cầu đều dẫn đến thay đổi ở phía cung. Nếu phía cung khỏe thì gia tăng cầu sẽ kích thích sự tăng trưởng ở phía cung. Nhưng nếu sản xuất trong nước chưa thật sự mạnh lên thì mọi sự gia tăng từ phía cầu sẽ dẫn đến tăng giá và thâm hụt thương mại. Trước bối cảnh kinh tế chưa hết khó khăn, Chính phủ đề nghị Quốc hội nâng trần bội chi lên 5,3%. Ủy ban Kinh tế Quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau. Có vị ủy viên lo ngại, có khoản chi bắt buộc như trả nợ 91.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng có những khoản chi dàn trải; lãng phí cần phải xử lý thì mới nâng bội chi được. Báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư là có sở để Quốc hội thảo luận về một số ý kiến cho rằng kinh tế đã “thoát đáy”, nhưng lại có ý kiến băn khoăn liệu kinh tế có đúng là đang được cải thiện không?

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nói rất chí lý rằng, nhiều chuyên gia phân tích nguyên nhân, triệu chứng bệnh của nền kinh tế, song ít thấy “kê đơn, bốc thuốc”. Việc đề xuất làm gì và làm thế nào lại càng ít nói đến. Theo ông, kích cầu sẽ góp phần đưa nền kinh tế “thoát đáy”, nhưng phải đảm bảo ba yêu cầu: đúng lúc, trúng đích và vừa đủ.