- Khám phá vẻ đẹp kì vĩ của hang động lớn nhất thế giới ở Việt Nam
- Di sản sẽ chết nếu tham và thiếu tính toán
Hang Sơn Đoòng được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”
Đứng trong hang thấy cả rừng già
Là một trong những “phượt thủ” người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Sơn Đoòng, chuyến đi của Lê Triều Dương năm 2010 có sự góp mặt của những tay phượt gạo cội. Trái với hình dung của nhiều người, đường vào Sơn Đoòng so với đường lên đỉnh Fansipan dễ hơn nhiều. Những người ưa khám phá cứ men theo suối, men theo núi, xuyên qua những cánh rừng già là đến nơi. Khung cảnh trên đường tới hang động này cũng không khỏi khiến du khách say lòng. Thảm thực vật và động vật của vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được gìn giữ gần như nguyên vẹn, chim chóc hát ca, cây cối xanh tươi mơn mởn như bức tranh đầy màu sắc, sống động và quyến rũ lòng người. Buổi tối, cả đoàn “phượt thủ” cắm trại ngủ trong rừng.
Với họ, những cảm giác trải nghiệm giữa thiên nhiên hoang dã thật khó diễn tả bằng lời.
Đường tới Sơn Đoòng ngang qua một bản người Rục sinh sống, đi xuyên hang Én đẹp mê hồn. Khi đặt chân đến Sơn Đoòng, cả đoàn của Du Già ồ lên đầy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ bí nơi đây. Đã từng thám hiểm nhiều hang động nhưng tay phượt nổi tiếng trên diễn đàn phuot.vn vẫn cứ ngỡ ngàng và choáng ngợp trước vẻ đẹp của Sơn Đoòng. Giữa hang sâu thăm thẳm, cây rừng già mọc lên ngay trên hố sụt. Đặc điểm quý hiếm này rất ít hang động trên thế giới có được. Sơn Đoòng còn có những dòng sông ngầm chảy trong đó tạo thành những thác nước ngày đêm đổ ầm ầm. Lê Triều Dương có cảm giác như đi mãi mà chẳng đến được tận cùng, bởi thiên nhiên bao la và con người thì thật nhỏ bé. Đứng trong hang động, ngước lên nhìn bầu trời qua hố sụt, chỉ thấy một màu xanh ngắt.
Khi ấy là lần đầu tiên, Du Già biết đến khái niệm: “đứng trong hang thấy cả rừng già”.
Phượt thủ Du Già - Lê Triều Dương người đã có mặt tại Sơn Đoòng năm 2010
Tốn công đất trời nhào nặn
Thiên nhiên thật hào phóng khi ban tặng cho tỉnh Quảng Bình một Sơn Đoòng, một “nàng công chúa ngủ trong rừng” đầy quyến rũ. “Phượt thủ” Du Già buồn buồn: “Nếu có một hệ thống cáp treo chạy qua đây, với mục tiêu đề ra là tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc mà du khách vẫn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Sơn Đoòng thì thật phi lý”. Đến Sơn Đoòng mà ngồi trên cáp treo nhìn xuống thì làm sao cảm nhận được vẻ đẹp của hang động này. Và nếu chỉ vào đến Sơn Đoòng rồi quay ra ngay thì thật phí phạm cho trời đất đã tốn công nhào nặn làm nên kiệt tác thiên nhiên.
Theo các “phượt thủ”, chỉ khi đi bộ, tiêu tốn mất 3, 4 ngày đường, cảm nhận trời- đất rừng già, hít thở bầu không khí trong veo nơi đây thì du khách mới thấy trân trọng và biết yêu vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng. Hơn thế, vì trong hang Sơn Đoòng có những chỗ thắt chỉ có một người chui qua được, nên muốn xây dựng cáp treo sẽ buộc phải phá rộng ra. Nếu vậy thì du khách sẽ chẳng bao giờ thử được cảm giác khi đang đứng trong một cái hố rỗng khổng lồ lại phải vượt qua cái khe nhỏ chỉ vừa cho một người, để chui sang một cái hố khác rộng lớn hơn.
Trên thế giới, nhiều điểm du lịch nổi tiếng dù rất thuận lợi để lắp cáp treo nhưng họ vẫn “nói không” và để du khách đi bộ 6-8 giờ đồng hồ khám phá. Nổi tiếng nhất chính là đền thờ Machu Picchu (Peru) mỗi năm vẫn thu về 60 triệu USD. Không phải cứ lắp cáp treo là sẽ thu hút được khách du lịch, mà chính sự bảo tồn nguyên trạng hệ sinh thái và cảnh quan, sẽ giữ cho Sơn Đoòng vẻ đẹp nguyên sơ thật sự hấp dẫn du khách.
“Nàng công chúa ngủ trong rừng” như Sơn Đoòng đã đến lúc cần được đánh thức, nhưng có nhiều cách làm để “nàng” tỉnh dậy mà không phải bằng một cách làm chụp giật như “dí điện cao thế vào người”, khiến “nàng” bị sốc mà tỉnh dậy rồi lại từ từ chìm dần vào cõi thiên thu.