Dùng máy bay không người lái trong ngành y tế

ANTĐ - Trong lịch sử quân sự thế giới, máy bay không người lái (UAV) được dùng để phục vụ cho mục đích trinh thám. Nhờ vào những tính năng đặc hiệu của nó, hiện nay máy bay không người lái được ứng dụng sang nhiều lĩnh vực khác, trong đó có hoạt động cứu thương và kiểm soát dịch bệnh. 

Dùng máy bay không người lái trong ngành y tế ảnh 1

Máy bay cứu thương của sinh viên Hà Lan

Alec Momont, sinh viên 23 tuổi của trường Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) mới đây đã công bố một phát minh, đó là chiếc máy bay không người lái tí hon có thể dùng cấp cứu cho những ca bệnh bị nhồi máu cơ tim. Với thiết kế đơn giản, máy bay cứu thương không người lái này cất cánh nhờ sự hỗ trợ của 6 cánh quạt, có thể mang được một vật nặng khoảng 4kg, tương đương trọng lượng một máy khử rung tim và có vận tốc bay lên tới 100km/h. 

Theo lập trình, sau khi nhận được tín hiệu khẩn cấp, nó sẽ dùng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để xác định hướng và vị trí của bệnh nhân. Thông qua webcam kết nối hệ thống camera được trang bị trên chiếc UAV này, những người điều khiển là bác sĩ cấp cứu hay nhân viên y tế bất kỳ có thể quan sát hiện trường nơi có bệnh nhân, nói chuyện và hướng dẫn những người có mặt ở đó cấp cứu giúp bệnh nhân. 

Nhà sáng chế Alec Momont cho biết, hàng năm tại các nước trong khu vực Liên minh châu Âu có khoảng 800.000 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, nhưng do không được cấp cứu kịp thời nên tỷ lệ sống sót chỉ khoảng 8%, vì thời gian chết não dẫn đến  tử vong ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim chỉ trong vòng từ 4-6 phút. Trong khi đó, chiếc UAV tí hon của Alec có thể mang theo chiếc máy khử rung tim tới chỗ bệnh nhân trong vòng bán kính 12km chỉ trong 1 phút, do đó làm tăng cơ hội sống cho bệnh nhân lên gấp 10 lần. 

UAV ngăn chặn bệnh truyền nhiễm

Trong những năm gần đây, bang Sabah nằm trên quần đảo Borneo của Malaysia có sự gia tăng đột biến các ca nhiễm ký sinh trùng sốt rét ở người. Để tìm hiểu nguyên nhân và cách thức lây nhiễm của loại ký sinh trùng sốt rét trên, các nhà khoa học dẫn đầu là Chris Drakeley, Giáo sư đầu ngành về nghiên cứu nhiễm trùng và miễn dịch tại trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh) đã sử dụng một loại máy bay không người lái tự chế có tên “Fly eBee” khoanh vùng người dân bị lây nhiễm. 

Fly eBee có khả năng bay liên tục trong vòng 50 phút, được trang bị một máy ảnh kỹ thuật số rất nhỏ với độ phân giải cao - 16 megapixel. Từ đó, các nhà nghiên cứu thiết lập một bản đồ về môi trường sống của cộng đồng xung quanh nơi có ký sinh trùng sốt rét lây sang người. Một thiết bị khác nữa cũng được trang bị trên Fly eBee là thiết bị giám sát các khu vực sinh sản của loài muỗi mang mầm bệnh sốt rét ký sinh trùng nhằm giúp các nhà khoa học xác định được nguồn lây lan của loại dịch bệnh này từ vật chủ là loài khỉ sang người. 

Giáo sư dịch tễ học Stephen Morse tại Đại học Columbia (Mỹ) đưa ra nhận định rằng, sử dụng máy bay không người lái sẽ mang lại những lợi ích to lớn trong ngành y tế cộng đồng bởi thông tin, hình ảnh rất đáng tin cậy và nó cũng không tốn kém bằng sự hỗ trợ từ vệ tinh.