Đừng “đánh trống, bỏ dùi”

ANTĐ - Tuần lễ quốc gia về An toàn lao động và phòng chống cháy nổ năm 2012 vừa được phát động rầm rộ trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, anh Kiều Văn Thu (xây dựng tự do, ở Mê Linh, Hà Nội) cho rằng, việc tổ chức này còn hình thức.

- Tuần lễ quốc gia năm nay tập trung vào công tác phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp được các cơ quan, doanh nghiệp hưởng ứng rất tích cực.

 - Năm nào Tuần lễ quốc gia về An toàn lao động và phòng chống cháy nổ cũng được phát động rất mạnh mẽ, song thực tế số vụ tai nạn năm sau vẫn luôn cao hơn năm trước. Riêng bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất… thế nhưng lĩnh vực nhiều lao động nhất là khu vực nông thôn, lao động tự do lại gần như chưa được chú ý tới mà hầu hết các cuộc vận động vẫn chỉ tập trung ở các khu công nghiệp.

- Việc phát động Tuần lễ quốc gia tại một địa điểm nào đó mang ý nghĩa “làm điểm” để nhân rộng ra cả nước chứ? 

- Đã làm điểm thì phải làm cho đến nơi đến chốn, đạt hiệu quả thật sự, làm gương cho các địa điểm khác. Như năm 2011, Tuần lễ quốc gia được tổ chức rầm rộ tại Quảng Ngãi vào đầu năm thì cuối năm tại chính địa phương này xảy ra vụ cháy chợ Quảng Ngãi…, như thế là mang tác dụng ngược. Nếu cứ làm theo kiểu “đánh trống, bỏ dùi” vậy thì khó kỳ vọng được.

- Thực tế hơn 60% số vụ TNLĐ, cháy nổ xảy ra do yếu tố chủ quan của con người, chứ không phải phát động rầm rộ là sẽ giảm được trong một sớm một chiều?

- Nếu đổ hết lỗi ý thức cho người lao động mà không tập huấn, trang bị kiến thức cho họ thì chưa đủ. Với người sử dụng lao động, ngoài việc trang bị kiến thức về bảo hộ lao động còn cần có chế tài nghiêm khắc để bắt buộc họ tuân thủ. Bên cạnh đó, công tác báo cáo và minh bạch thông tin cũng cần được thay đổi. Nếu các doanh nghiệp đều giấu thông tin về tình hình TNLĐ của mình, thì rất khó để thay đổi được bức tranh về TNLĐ tại nước ta.